Giá dầu đi xuống, thành viên tổ chức OPEC chia rẽ về đối sách

Những quan điểm khác nhau giữa 12 quốc gia thành viên OPEC đã tạo nên sự chia rẽ giữa Saudi Arabia và một số đồng minh đang chịu sức ép lớn hơn về ngân sách khi giá dầu giảm.
Giá dầu đi xuống, thành viên tổ chức OPEC chia rẽ về đối sách ảnh 1Nhà máy lọc khí gas Naher al-Umran của Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước tình hình giá dầu đi xuống, một số thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang kêu gọi cắt giảm nguồn cung. Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của tổ chức này lại cho rằng vào mùa Đông nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi và OPEC không cần có sự can thiệp.

Những quan điểm khác nhau giữa 12 quốc gia thành viên OPEC đã tạo nên sự chia rẽ giữa Saudi Arabia và một số đồng minh khác như Iran, vốn đang chịu sức ép lớn hơn về ngân sách khi giá dầu giảm.

Một đại diện từ châu Phi cho rằng việc “vàng đen” trượt giá do sự gia tăng sản xuất tại Mỹ, đà phục hồi chậm lại của kinh tế châu Âu và Trung Quốc là một điều tồi tệ. Theo đó, cuộc họp sắp tới của OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 27/11, sẽ thảo luận về vấn đề này.

Ngày 2/10, giá dầu Brent giảm xuống dưới 92 USD/thùng, mức thấp nhất trong 27 tháng, so với mức 115 USD/thùng vào tháng 6/2014. Kết quả này diễn ra sau khi Saudi Arabia tiếp tục giảm giá bán dầu mỏ chính thức cho các nước châu Á. Động thái đó đã làm dấy lên lo ngại quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu OPEC này sẽ không giảm sản lượng.

Theo một nguồn tin thân cận, mặc dù thị trường dầu mỏ đang “yếu đi”, do tình trạng cung vượt cầu, song hiện nay vẫn là quá sớm để OPEC xem xét động thái can thiệp. Tính đến nay, chỉ mới có Iran công khai lên tiếng kêu gọi tổ chức này có biện pháp hỗ trợ giá dầu, trong khi các nước Arập vẫn tỏ ra khá “dửng dưng.”

Sản lượng dầu mỏ của OPEC đang ngày càng tăng và trong tháng Chín vừa qua đã chạm mốc 30,96 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2012, do hoạt động phục hồi sản xuất tại Libya và sản lượng cao hơn của các nước vùng Vịnh.

Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm sản lượng là một thách thức đối với OPEC, khi tổ chức này thiếu một hệ thống về mức hạn ngạch sản lượng cho từng nước này thành viên và sẽ rất khó để thúc đẩy bất kỳ đợt cắt giảm sản lượng nào. OPEC đã không cắt giảm nguồn cung kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.