Giá dầu giảm 5% và chạm mức thấp nhất trong vòng một năm qua

Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch 20/12 mất khoảng 5% và chạm mức thấp nhất hơn một năm qua do thị trường lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung và triển vọng nhu cầu năng lượng kém khả quan.
Giá dầu giảm 5% và chạm mức thấp nhất trong vòng một năm qua ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Fort McMurray, Canada. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 20/12 mất khoảng 5% và chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua do thị trường lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung và triển vọng nhu cầu năng lượng kém khả quan, cũng như việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,29 USD (4,75%) xuống 45,88 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London (nước Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 2,89 USD (5,05%) xuống 54,35 USD/thùng.

Trong phiên này, có thời điểm giá dầu Brent rơi xuống 54,28 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2017, còn giá dầu WTI cũng chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2017 là 45,67 USD/thùng.

Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đỏ sàn sau quyết định nâng lãi suất của Fed tại cuộc họp mới nhất (kết thúc ngày 19/12).

Đây là lần nâng lãi suất thứ tư trong năm nay của Fed và thể chế này vẫn hướng tới kế hoạch duy trì lộ trình nâng lãi suất trong hai năm tới, bất chấp sức ép từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.

[Canada đa dạng hóa thị trường dầu mỏ để tránh lệ thuộc vào Mỹ]

Giá hai loại dầu chủ chốt mua bán theo hợp đồng kỳ hạn là dầu Brent và dầu WTI hiện đều giảm hơn 35% từ các mức cao xác lập hồi đầu tháng Mười.

Theo ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu khó có khả năng phục hồi và tăng mạnh trong ngắn hạn, trừ khi xảy ra biến cố địa chính trị mới.

Mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước bên ngoài tổ chức này, bao gồm Nga, vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng hồi đầu tháng, song việc cắt giảm phải tới tháng 1/2019 mới được thực hiện, trong khi sản lượng dầu tại Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều đang tăng lên các mức cao kỷ lục hoặc xấp xỉ mức kỷ lục.

OPEC dự định công bố bảng chi tiết về hạn ngạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho các thành viên và đồng minh của họ trong thời gian tới nhằm nỗ lực vực dậy giá dầu.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih dự báo rằng nguồn dầu mỏ dự trữ trên toàn cầu sẽ sụt giảm vào cuối quý I năm 2019, nhưng nói thêm rằng thị trường vẫn dễ bị tổn thương bởi các yếu tố chính trị và kinh tế cũng như hoạt động đầu cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.