Giá dầu giảm tại thị trường châu Á trong ngày giao dịch đầu tuần 2/2 sau khi các nhà giao dịch đua nhau chốt lời khi giá dầu WTI hồi phục từ mức thấp nhất trong 6 năm qua với mức tăng 3,71 USD còn giá dầu Brent tăng 3,46 USD trong phiên cuối tháng (30/1). Thêm vào đó, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu ở Mỹ.
Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate giao tháng 3/2015 giảm 1,17 USD xuống còn 47,07 USD/thùng trong khi giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,27 USD xuống 51,72 USD/thùng.
Nhà phân tích đầu tư Daniel Ang của Phillip Futures tại Singapore cho rằng biến động giá nói trên có tính chất đầu cơ và giá dầu vẫn đang trong giai đoạn củng cố khi thị trường nỗ lực điều chỉnh cán cân cung cầu.
Theo giới phân tích, giá dầu đang đối mặt với sức ép suy giảm trước những lo ngại về tình trạng đình công tại các nhà máy lọc dầu Mỹ có thể tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất các chế phẩm dầu mỏ ở quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới này.
Nghiệp đoàn Thép Mỹ - đại diện hơn 200 nhà máy lọc dầu, kho chứa dầu, nhà máy hóa chất và các tuyến đường ống dẫn dầu của nước này, đã ngừng hoạt động trong ngày 1/2 tại 9 địa điểm sau khi không đạt được nhất trí về thỏa thuận điều chỉnh lương và điều kiện làm việc.
Theo số liệu thống kê của Bloomberg, các nhà máy lọc dầu đang có đình công có khả năng xử lý 1,82 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng công suất của Mỹ. Tình trạng đóng cửa này sẽ làm gia tăng nguồn cung dầu mỏ vốn đang dư thừa trên toàn cầu do lượng dầu thô tồn lại không được xử lý để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Thị trường dầu mỏ thế giới đã giảm hơn 50% giá trị kể từ tháng 6/2014 khi hoạt động sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ tăng mạnh. Tình hình càng căng thẳng trong tháng 11/2014 sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – chiếm khoảng 30% sản lượng dầu thô thế giới - khẳng định vẫn duy trì sản lượng hiện tại cho dù giá dầu giảm./.