Giá dầu giảm vì lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường

Giá dầu West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng Sáu giảm 62 xu Mỹ, xuống 59,88 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ xuống 66,59 USD/thùng.
Giá dầu giảm vì lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày 14/5, khi vẫn có lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường.

Giá dầu West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng Sáu giảm 62 xu Mỹ, xuống 59,88 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 22 xu Mỹ, xuống 66,59 USD/thùng tại London.

Số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhẹ trong lúc việc hạn chế số giàn khoan hoạt động đã góp phần kéo giá dầu tăng khoảng 40% kể từ khi giá giảm xuống dưới 45 USD/thùng vào giữa tháng Ba.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 13/5, nguồn cung từ Mỹ vẫn cao, với sản lượng trong tuần trước tăng 5.000 thùng, đạt trên 9,3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ thập niên 1970.

Trong khi đó, một quan chức Saudi Arabia nói với báo giới rằng sản lượng dầu của nước này tăng lên mức cao kỷ lục là hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng Tư. Sản lượng dầu của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng 18.000 thùng, lên mức trung bình gần 31 triệu thùng/ngày trong tháng Tư, theo báo cáo hàng tháng mới công bố của tổ chức này.

Nhà môi giới và phân tích Gene McGillian ở Tradition Energy cho rằng về cơ bản, thị trường bắt đầu chững, nếu nhu cầu không tăng hơn nữa hay có những dấu hiệu cho thấy sản lượng giảm, thị trường sẽ đi xuống.

Nhà phân tích Tim Evans ở Citi Futures cho rằng sản lượng của OPEC tăng là một trở ngại và theo ông, việc giá dầu tăng kể từ giữa tháng Ba là một sự điều chỉnh về giá hơn là sự khởi đầu cho xu hướng đi lên bền vững của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.