Giá dầu hướng đến tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ 27 tháng qua

Giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 29/10 và đang hướng đến tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ giữa năm 2016, sau khi Nga phát đi tín hiệu rằng sản lượng dầu sẽ vẫn ở mức cao.
Giá dầu hướng đến tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ 27 tháng qua ảnh 1Một trạm xăng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 29/10 và đang hướng đến tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ giữa năm 2016, sau khi Nga phát đi tín hiệu rằng sản lượng dầu sẽ vẫn ở mức cao và triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy khả quan đã làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu dầu thô.

Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 28 xu Mỹ xuống còn 77,34 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 55 xu Mỹ và khép phiên ở mức 67,04 USD/thùng.

Dầu Brent và dầu WTI đang trên đà giảm lần lượt khoảng 6,6% và 8,5% trong tháng này, đều là các mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2016. Dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới, nhưng giá dầu đã giảm khoảng 10 USD/thùng từ các mức cao trong bốn năm ghi nhận hồi đầu tháng Mười.

[Rosneft: Mỹ áp trừng phạt nhằm chi phối thị trường dầu mỏ thế giới]

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây cho rằng Nga không có lý do gì phải đóng băng hay cắt giảm sản lượng dầu, khi các thị trường dầu toàn cầu có nguy cơ phải đối mặt với trình trạng thiếu hụt. Phát biểu này đã phần nào gây áp lực bán ra đối với giới đầu tư.

Các hàng hóa công nghiệp như dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi sự lao dốc trên các thị trường chứng khoán toàn cầu do lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp, và tác động của căng thẳng thương mại đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như đồng USD mạnh lên.

Phiên này, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt cũng tăng lên nhờ số liệu chi tiêu tiêu dùng khả quan của Mỹ. Đồng USD mạnh lên sẽ khiến các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.