Giá dầu leo thang và sự chuẩn bị kỹ càng của Trung Quốc

Thị trường dầu mỏ Trung Quốc đã hình thành bộ ba công cụ: Giao ngay, tương lai và quyền chọn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và hoạt động quốc tế của các công ty lọc dầu.
Giá dầu leo thang và sự chuẩn bị kỹ càng của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giữa bối cảnh giá dầu liên tục lập đỉnh mới trong tháng 6/2021, giới chuyên gia cho rằng thị trường “vàng đen” có thể sẽ vượt mốc 100 USD/thùng vào năm 2022.

Đối với Trung Quốc, việc thiếu hụt thứ hàng hóa được coi là “nguồn sống của nền kinh tế” này thực sự là một cú sốc lớn. Tuy nhiên, nước này đã có bước chuẩn bị từ sớm.

Khi nền kinh tế thế giới hồi phục sau “cơn sóng thần" COVID-19

Ngày 22/6, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 75 USD/thùng, đạt mức cao nhất trong gần hai năm. Nếu tính từ đầu năm 2021 tới nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 45%.

Trước đó vào ngày 8/6, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng vượt mốc 70 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Nếu tính từ đầu năm 2021 tới nay, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng khoảng 50%.

Việc giá dầu leo thang gần đây trước tiên liên quan chặt chẽ tới sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế thế giới. Ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, trong đó dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 5,6% thay vì mức 4,1% được dự báo hồi đầu tháng 1/2021.

Đây là tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất cứ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua. Trước đó, vào ngày 31/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay, cao hơn 0,2% so với dự báo được đưa ra hồi tháng Ba.

Đồng quan điểm này, ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6,4% trong năm 2021, cao hơn con số 5,5% được đưa ra cách đây gần ba tháng và mức 5,1% đưa ra trong dự báo hồi cuối tháng 1/2021 và gần gấp đôi mức dự báo hồi tháng 10/2020. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất được ghi nhận kể từ những năm 1970.

[Thị trường dầu thế giới tăng giá tuần thứ năm liên tiếp]

Tuy nhiên, trong dự báo, các thiết chế tài chính đều chỉ rõ rằng có sự khác biệt về tốc độ hồi phục của các nền kinh tế. Ví dụ, WB dự đoán 90% các nước phát triển sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng như ở thời điểm trước đại dịch vào năm tới nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người (tỷ lệ này ở các nước đang phát triển chỉ là 30%).

Trong khi các nền kinh tế phát triển dự kiến tăng trưởng 5,4% vào năm nay, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và những hậu quả. Dự kiến, người dân các nước như Mexico và Nam Phi phải mất từ 3-5 năm mới có thể khôi phục mức thu nhập như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Quả thực, tốc độ hồi phục kinh tế của các nước có liên quan chặt chẽ tới tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19. Năm 2020, những nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được ca ngợi về khả năng ứng phó với đại dịch nhờ tích cực phong tỏa và truy vết chặt chẽ. Mô hình này sau đó được các nước khác trên thế giới nhân rộng.

Tuy nhiên, với những đợt bùng phát mới trong năm 2021 và sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại (VOC), những nước từng thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trước đây dường như không đạt được thành công tương tự trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa COVID-19.

Với việc COVID-19 có khả năng trở thành một căn bệnh theo mùa, lối thoát duy nhất cho các quốc gia là tiêm chủng. Nhờ tiềm lực dồi dào về tài chính và công nghệ, các nước phát triển đang giành lợi thế trong việc nghiên cứu phát triển vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng.

COVID-19 đã trở thành căn bệnh gây tử vong cao thứ ba ở Mỹ trong năm 2020. Sau bệnh tim và ung thư, tới nay đã có 600.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19.

Tuy nhiên, cùng với chiến dịch tiêm chủng diện rộng (tới nay, khoảng 45% người Mỹ đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và trên 53% người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vaccine), không chỉ số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ giảm dần, mà đại dịch này cũng đang rớt hạng trong danh sách các bệnh gây tử vong cao nhất ở Mỹ.

Từng là tâm dịch của nước Mỹ, các bang như New York, California đã mở cửa hoàn toàn trở lại. Hiệu ứng tương tự đã xảy ra ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Trung Quốc, Anh, Israel, Na Uy….

Sự hồi phục của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới là đủ để đẩy nhu cầu dầu mỏ trên thế giới tăng lên. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố ngày 10/6 đã chỉ rõ nhu cầu dầu năm 2021 sẽ tăng 6,6%, tương đương 5,95 triệu thùng/ngày so với năm 2020.

Cùng với đó, giá dầu còn có thêm “liều thuốc phóng” nữa là sự thiếu hụt của nguồn cung.

Vào đầu tháng Tư năm nay, OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC đã đạt được thỏa thuận tăng sản lượng trung bình 350.000 thùng/ngày trong tháng 5, 6/2021 và thêm khoảng 440.000 thùng/ngày trong tháng 7/2021.

Đồng thời, Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC, cũng tự nguyện từ bỏ kế hoạch cắt giảm 1 triệu thùng/ngày. Nói cách khác, trong vòng 3 tháng, OPEC+ sẽ tăng sản lượng trung bình 2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sau khi các nhà xuất khẩu dầu lớn này công bố kế hoạch tăng sản lượng, giá dầu đã tăng mạnh thay vì quay đầu đi xuống.

Lý do rất đơn giản vì thị trường nhìn chung cho rằng việc tăng sản lượng của OPEC+ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu dầu thô toàn cầu đang tăng vọt. Theo OPEC+, do nhu cầu dầu toàn cầu tăng, lượng tồn kho dầu thô từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay sẽ giảm hơn 2 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về nguồn cung dầu thô từ Iran (Iran có rất ít khả năng quay trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế) đã đẩy giá dầu lên cao. Ngoài ra, chính sách năng lượng mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, gồm việc hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, tạm đình chỉ khai thác dầu khí ở đất liền và khu vực biển liên bang và hạn chế phát thải khí metan, cũng khiến giá dầu có thêm trợ lực.

Câu chuyện của Trung Quốc

Ngoài vấn đề cung-cầu, thị trường dầu mỏ còn chịu tác động từ một số nhân tố khác như lạm phát tăng, đồng USD giảm giá.

Hiện nay, các cơ cấu tài chính lớn trên thế giới như Goldman Sachs, Morgan Stanley… đều đã nâng mức dự báo về giá dầu. Các nhà phân tích của Ngân hàng Mỹ (BofA) Global Research nhận định kỳ vọng nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sẽ vượt cung trong những tháng tới có thể khiến giá dầu chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian ngắn vào năm 2022.

Trên thực tế, tờ Wall Street Journal phát hiện các nhà giao dịch đang gom mạnh các hợp đồng quyền chọn đặt cược giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI đạt mức 100 USD/thùng trước cuối năm 2022.

Theo Giám đốc giao dịch Adam Webb của Blue Creek Capital Management LLC, giới đầu tư đang xem xét hợp đồng quyền chọn mua dầu ở mức giá 100 USD/thùng giao vào tháng 12/2022 mà không nghĩ ngợi nhiều. Nếu xảy ra, đây là lần đầu tiên giá dầu thế giới trở lại mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014.

Vì dầu mỏ là một nguyên liệu thô quan trọng của ngành năng lượng và công nghiệp hóa học nên việc giá dầu quốc tế tăng tác động tới mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả ở Trung Quốc.

Theo quy định trong văn bản “Các biện pháp quản lý giá xăng dầu” được ban hành năm 2016, Trung Quốc đã đặt mức trần và mức sàn đối với giá dầu thành phẩm.

Khi giá dầu quốc tế dao động trong khoảng 40-130 USD/thùng, giá dầu trong nước được điều chỉnh bình thường, nhưng khi giá dầu quốc tế cao hơn 130 USD/thùng hoặc dưới 40 USD/thùng, giá dầu trong nước duy trì mức giá trần là 130 USD/thùng hoặc giá sàn là 40 USD/thùng.

Theo cơ chế giá này, năm ngoái giá dầu quốc tế đã giảm xuống mức âm, giá dầu thành phẩm ở Trung Quốc cũng chạm mức giá sàn, không tiếp tục điều chỉnh giá nữa.

Hiện nay, giá dầu quốc tế tăng, nhưng vẫn nằm trong biên độ 40-130 USD/thùng, cho nên, giá dầu trong nước cũng được điều chỉnh bình thường.

Đồng thời, khi giá dầu quốc tế tăng vọt, Trung Quốc bắt đầu giảm nhập khẩu dầu thô. Trong tháng Năm năm nay, xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia và Nga sang Trung Quốc lần lượt giảm 21% và 13,5% so với tháng trước, xuống còn 7,2 triệu tấn và 5,44 triệu tấn.

Điều này đặt ra câu hỏi, là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, việc Trung Quốc không nhập khẩu “dầu giá cao” vào thời điểm này liệu có ảnh hưởng lớn? Và Trung Quốc đối phó với tình hình giá dầu quốc tế tăng cao như thế nào?

Thứ nhất, Trung Quốc đã nắm bắt tốt cơ hội khi giá dầu xuống thấp để nhập khẩu một lượng lớn dầu thô với giá rẻ. Năm 2020, Trung Quốc nhập 542 triệu tấn dầu, tăng 7,2%, nhưng giá trị chỉ đạt 176,3 tỷ USD, giảm 27,3% và giá nhập khẩu trung bình là 330 USD/tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ hai, Trung Quốc đã sớm chuẩn bị, xây dựng cơ sở dự trữ dầu mỏ. Ngay từ năm 2003, Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng các tổng kho dự trữ dầu, với kế hoạch sơ bộ là hoàn thành việc xây dựng kho dự trữ dầu và các cơ sở hạ tầng phần cứng khác trong vòng 15 năm, chia thành ba giai đoạn.

Sau khi giai đoạn ba của dự án hoàn thành, tổng lượng dự trữ dầu của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 100 ngày nhập khẩu ròng về dầu mỏ và năng lực dự trữ dầu quốc gia sẽ tăng lên khoảng 85 triệu tấn, tương đương với 90 ngày nhập khẩu ròng về dầu mỏ, đạt tiêu chuẩn do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đề ra.

Thứ ba, Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường nỗ lực thăm dò dầu khí trong nước. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã thăm dò phát hiện có 1.040 mỏ dầu khí (756 mỏ dầu và 284 mỏ khí tự nhiên), 7 mỏ khí đá phiến, 25 mỏ mêtan tầng than, 3 mỏ carbon dioxide, tổng cộng sản xuất được 7,126 tỷ tấn dầu.

Thứ tư là chính sách bắt tay hợp tác để đa dạng nguồn cung. Vào tháng Ba năm nay, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện kéo dài 25 năm với Iran. Theo đó, nước này sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 25 năm để giúp nước này phục hồi nền kinh tế.

Đổi lại, Iran sẽ cung cấp cho Trung Quốc nguồn cung dầu ổn định trong vòng 25 năm. Kết quả là chỉ trong tháng 3 năm nay, 30 triệu thùng dầu thô của Iran đã được chuyển đến Trung Quốc.

Thứ năm, Trung Quốc thúc đẩy thanh toán giao dịch dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ (NDT) để giành quyền chủ động. Ngày 26/3/2018, Trung Quốc bắt đầu thực hiện hợp đồng dầu tương lai bằng đồng NDT. Tới cuối năm 2020, Sàn giao dịch dầu thô tương lai Thượng Hải đã tiến hành 41.585.800 giao dịch, với tổng giá trị giao dịch là 11.960 tỷ NDT.

Tiếp đó, ngày 21/6/2021, Trung Quốc đã mở cửa toàn diện thị trường quyền chọn mua dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, thị trường dầu mỏ Trung Quốc đã hình thành bộ ba công cụ: Giao ngay, tương lai và quyền chọn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và hoạt động quốc tế của các công ty lọc dầu nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.