Trong phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu mỏ thế giới đã chạm "đáy mới" trong vòng 12 năm qua sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính và năng lượng đối với Iran, mở đường cho quốc gia Hồi giáo này tăng xuất khẩu dầu thô ra thị trường toàn cầu.
Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2016 giảm chỉ còn 27,67 USD/thùng - mức giá thấp kỷ lục gần đây nhất hồi tháng 11/2003. Trong khi đó, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2016 cũng giảm còn 28,36 USD/ thùng - chạm "đáy" trong vòng hơn 12 năm qua.
Tuy nhiên, sau đó giá đã nhích nhẹ lên mức trên 29 USD/thùng do các nhà đầu tư tăng cường mua vào khi giá rẻ và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo "một quá trình tái cân bằng" thị trường sẽ bắt đầu trong năm 2016.
Sau khi EU và Mỹ ngày 16/1 chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, ngày 18/1, quốc gia thành viên OPEC này thông báo sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày, gây thêm sức ép lên thị trường "vàng đen" đang dư thừa nguồn cung trầm trọng kéo giá mặt hàng này tiếp tục lao dốc.
Giới chuyên gia phân tích thị trường cho rằng bất chấp tình trạng nguồn cung dầu dư thừa, Iran vẫn phải tăng sản lượng dầu thô vì các nước láng giềng cũng sẽ có động thái tương tự trong 6-12 tháng tới và điều này sẽ khiến thị phần dầu mỏ của Iran bị thu hẹp.
Hiện Iran mỗi ngày sản xuất 2,8 triệu thùng dầu/ngày nhưng xuất khẩu chỉ hơn 1 triệu thùng, vấn đề quan trọng đặt ra với quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới này là phải tìm được nguồn khách hàng./.