Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tiếp tục giảm do nguồn cung dư thừa

Chuyên gia phân tích Daniel Ang tại Phillip Futures, cảnh báo của IEA đã góp phần lớn vào tình trạng sụt giảm sâu hơn của giá dầu khi làm tăng thêm tâm lý bi quan trên thị trường.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tiếp tục giảm do nguồn cung dư thừa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: fpif.org)

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ nối dài đà giảm trong phiên giao dịch ngày 20/1 trên thị trường châu Á và đang hướng tới mức 27 USD mỗi thùng trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường dầu mỏ có thể sẽ “ngập lụt trong nguồn cung dư thừa."

Vào chiều 20/1 trên thị trường Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 2/2016 giảm thêm 91 xu Mỹ (3,20%) so với phiên trước, xuống 27,55 USD mỗi thùng.

Trong phiên này, đã có thời điểm giá dầu thô Mỹ rơi xuống 27,49 USD mỗi thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2003.

Giá dầu Brent giao tháng 3/2016 cũng giảm 63 xu (2,19%) xuống 28,13 USD mỗi thùng.

Giá của cả hai loại dầu này hiện đều đang ở các mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua.

Theo chuyên gia phân tích Daniel Ang tại Phillip Futures, cảnh báo của IEA đã góp phần lớn vào tình trạng sụt giảm sâu hơn của giá dầu khi làm tăng thêm tâm lý bi quan trên thị trường. Cơ quan này cũng dự báo giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong năm nay.

Như vậy là kể từ giữa năm 2014 đến nay, dầu mỏ đã để mất khoảng 75% giá trị do nguồn cung dư thừa, nhu cầu yếu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và đồng USD mạnh lên.

Mới đây, sau khi Mỹ và phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Iran, Tehran đã quyết định tăng sản lượng khai thác dầu thêm 500.000 thùng mỗi ngày.

Hiện sản lượng dầu của Iran là 2,8 triệu thùng mỗi ngày, trong đó xuất khẩu hơn 1 triệu thùng.

Khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ đã gây nên những rối loạn trên các thị trường toàn cầu, khiến hàng nghìn tỷ USD "bốc hơi" và nhiều tập đoàn năng lượng lớn phải cân nhắc hoặc trì hoãn việc đầu tư và sa thải hàng ngàn nhân công.

Một số nhà phân tích cho rằng hiện rất khó đoán khi nào thì đà rơi trên thị trường dầu mỏ sẽ kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.