Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ và Brent đều đi lên trong tuần qua

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2021 chốt phiên ở mức 69,72 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giao tháng 11/2021 lên 72,92 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ và Brent đều đi lên trong tuần qua ảnh 1Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi lên khi chốt phiên 10/9 và tăng trong cả tuần, khi các nhà giao dịch đánh giá quyết định của Trung Quốc trong việc sử dụng dầu từ kho dự trữ chiến lược và tiếp tục theo dõi sự hồi phục sản lượng chậm tại vịnh Mexico sau cơn bão Ida.

Trong phiên cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2021 tăng 1,58 USD, hay 2,3%, chốt phiên ở mức 69,72 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.

Giá dầu WTI đã tăng 0,6% trong cả tuần, theo số liệu của Dow Jones Market Data. Giá dầu Brent giao tháng 11/2021 tăng 1,47 USD, hay 2,1%, lên 72,92 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe. Như vậy, giá dầu Brent tăng 0,4% cả tuần qua.

Người phụ trách chiến lược thị trường tại công ty quản lý đầu tư SIA Wealth Management (Canada) Colin Cieszynski cho rằng giá dầu của Mỹ đang có xu hướng giao dịch trong khoảng 67-71 USD/thùng trong một tuần.

Tuy nhiên, lòng tin của nhà giao dịch có sự cải thiện sau cuộc điện đàm vào đêm 9/9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực "hâm nóng" quan hệ song phương.

Trong phiên 9/9, giá dầu trồi sụt, sau thông tin Trung Quốc có kế hoạch giải phóng dầu tư kho dự trữ, một động thái nhằm kiểm soát lạm phát giá hàng hóa. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể liên quan tới lượng dầu đã được giải phóng trong mùa Hè.

Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent giảm 1,15 USD (1,6%) xuống 71,45 USD/thùng trong khi giá dầu WTI giảm 1,16 (1,7%) xuống 68,14 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 26/8.

[Giá dầu châu Á tăng trong phiên 8/9 trước lo ngại về nhu cầu]

Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên 8/9 do các nhà sản xuất ở vịnh Mexico của Mỹ chậm khôi phục sản lượng sau cơn bão Ida. Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent tăng 91 xu Mỹ (1,3%) lên 72,60 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 95 xu Mỹ (1,4%) lên 69,30 USD/thùng.

Trong phiên 7/9, giá dầu thế giới đi xuống trước những quan ngại về nhu cầu yếu tại Mỹ và châu Á cùng với sự mạnh lên của đồng USD. Song, tình trạng ngừng sản xuất dầu tại khu vực vịnh Mexico của Mỹ đã giúp hạn chế đà giảm của "vàng đen."

Chốt phiên này, giá dầu WTI giảm 94 xu Mỹ (1,4%) xuống 68,35 USD/thùng, còn giá dầu Brent giảm 53 xu Mỹ (0,7%) xuống 71,69 USD/thùng.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ và Brent đều đi lên trong tuần qua ảnh 2Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 6/9, sau khi Saudi Arabia cắt giảm mạnh giá hợp đồng dầu cho châu Á và làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu. Trong phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 39 xu Mỹ xuống 72,22 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng lùi 40 xu Mỹ xuống 68,89 USD/thùng.

Sản lượng dầu thô tại vịnh Mexico vẫn giảm sau cơn bão Ida. Cơ quan về an toàn của Mỹ ngày 10/9 ước tính 66,36% sản lượng dầu và 75,55% sản lượng khí đốt tự nhiên tại vịnh này vẫn chưa được khôi phục.

Người phụ trách chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING (Hà Lan) Warren Patterson cho rằng tổng thiệt hại về sản lượng dầu thô do cơn bão hiện là trên 22 triệu thùng và khi việc khôi phục sản xuất vẫn khó khăn, mức thiệt hại sẽ tăng.

Ngày 13/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ công bố báo cáo hàng tháng. OPEC có thể sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022, khi sự lây lan của biến thể Delta đe dọa tốc độ phục hồi mức tiêu thụ nhiên liệu.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ công bố báo cáo tháng vào ngày 14/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.