Giá dầu ngọt nhẹ ở Mỹ đã tụt xuống dưới 95 USD/thùng

Tuần qua đánh dấu tuần đầu tiên kể từ tháng 1/2014, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tụt xuống dưới mức 95 USD/thùng do nguồn cung dư dả.
Giá dầu ngọt nhẹ ở Mỹ đã tụt xuống dưới 95 USD/thùng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tuần qua đánh dấu tuần đầu tiên kể từ tháng 1/2014, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tụt xuống dưới mức 95 USD/thùng do nguồn cung dư dả, làm át đi nỗi lo của nhà đầu tư về những bất ổn tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt như Libya, Iraq và Ukraine - điểm trung chuyển quan trọng dầu mỏ và khí đốt của Nga sang châu Âu.

Tuần qua cũng là tuần mà giá dầu mỏ chịu tác động đi xuống vì những lý do kỹ thuật khi nhà đầu tư bán tháo hàng vào phiên thứ Tư (20/8), một ngày trước khi hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2014 hết hạn.

Đẩy giá dầu đi xuống trong tuần còn là nhu cầu yếu đi tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu thô số một thế giới, và tại Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Báo cáo mới nhất công bố vào ngày cuối tuần của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết cơ quan này đã hạ mức dự báo nhu cầu dầu thô trong hai năm 2014 và 2015 so với dự báo đưa ra trước đó, do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Cũng theo IEA, trong khi nhu cầu đi xuống thì nguồn cung dầu trên thị trường hiện khá dồi dào, chủ yếu do sản lượng tăng mạnh tại Mỹ. Cụ thể, trong tháng Bảy vừa qua, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 28 năm qua, trong khi lượng dầu nhập khẩu của nước này tụt xuống mức thấp nhất trong 19 năm.

Số liệu kinh tế yếu kém tại Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng góp phần đẩy giá dầu đi xuống.

Theo số liệu sơ bộ của ngân hàng HSBC, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng Tám đã giảm xuống 50,3 - mức thấp nhất trong ba tháng trở lại đây. Sự suy giảm này cho thấy sức phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đang chững lại. Tương tự, tại Eurozone, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đã bị suy giảm trong quý II, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai khu vực là Pháp thì "giậm chân tại chỗ".

Ngoài ra, yếu tố đẩy giá "vàng đen" đi xuống còn là những lo ngại của nhà đầu tư về những căng thẳng địa chính trị tại Libya, Iraq và Ukraine.

Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 22/8, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2014 tại thị trường New York giảm 31 xu Mỹ xuống chốt tuần ở 93,65 USD/thùng; trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 34 xu xuống chốt tuần ở 102,29 USD/thùng. Một tuần trước đó, giá hai hợp đồng dầu này khép lại tuần ở các mức cao hơn, lần lượt là 95,63 USD/thùng và 102,32 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.