Giá dầu phục hồi nhờ dấu hiệu khá tích cực về nhu cầu

Trong phiên giao dịch ngày 19/12, giá dầu thế giới phục hồi sau đợt bán tháo mạnh trong phiên trước, khi số liệu của Mỹ cho thấy nhu cầu khá mạnh đối với các chế phẩm dầu mỏ.
Giá dầu phục hồi nhờ dấu hiệu khá tích cực về nhu cầu ảnh 1Giàn khoan dầu ở cảng Aransas, bang Texas của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 19/12, giá dầu thế giới phục hồi sau đợt bán tháo mạnh trong phiên trước, khi số liệu của Mỹ cho thấy nhu cầu khá mạnh đối với các chế phẩm dầu mỏ.

Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,98 USD (hay 1,74%) lên 57,24 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 0,96 USD (2,08%) và đóng phiên ở mức 47,20 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 497.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/12 vừa qua, ít hơn mức dự đoán giảm 2,4 triệu thùng giới phân tích đưa ra trước đó, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu dùng để sưởi ấm, giảm 4,2 triệu thùng, trái ngược với dự đoán tăng 573.000 thùng.

Nhu cầu đối với các sản phẩm dầu chưng cất đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2003, qua đó thúc đẩy hoạt động mua vào.

[Nhà đầu tư bán tháo khiến giá dầu thế giới sụt giảm trên 5%]

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này phần nào bị thu hẹp sau khi quyết định tăng lãi suất của Fed đẩy đồng USD đi lên, khiến dầu - hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này - trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã giảm hơn 30% kể từ đầu tháng 10 vừa qua do nguồn cung gia tăng.

Các nước sản xuất dầu trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng này đã nhất trí giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng nhằm hạn chế nguồn cung và thúc đẩy giá dầu.

Nhưng phải đến tháng tới, thỏa thuận này mới được thực hiện, và sản lượng của các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga và Saudi Arabia đang ở các mức cao kỷ lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.