Giá dầu tại châu Á phiên 30/6 tiếp tục đà tăng của phiên trước, sau khi báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước, át đi lo ngại của các nhà giao dịch và các nhà đầu tư về những hạn chế đi lại ở một số nước khi số ca nhiễm COVID-19 tăng.
Giá dầu Brent tăng 25 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 75,01 USD/thùng vào lúc 13 giờ 55 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi tăng trong phiên 29/6.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 41 xu Mỹ, hay 0,6%, lên 73,39 USD/thùng, sau khi tăng 0,1% trong phiên trước.
[Giá dầu thế giới phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày 29/6]
Dù biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh đang bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước, dẫn tới các đợt phong tỏa mới được áp dụng ở các nước từ Australia tới Bồ Đào Nha, vẫn có những hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Trong ngày cuối cùng của tháng Sáu, giá dầu Brent trên đà tăng trong cả tháng, có nghĩa hợp đồng này tăng 6 trong 7 tháng qua. Giá dầu của Mỹ cũng trong xu hướng tăng tương tự kể từ tháng 11/2020.
Theo số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm 8,2 triệu thùng trong tuần trước.
Tuy nhiên, những hy vọng về sự phục hồi nhu cầu gia tăng khi Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Mohammad Barkindo, ngày 29/6 nhận định nhu cầu sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày trong năm 2021, trong đó 5 triệu thùng tăng trong nửa cuối năm.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, việc OPEC cùng với các nước đối tác tăng mạnh nguồn cung sẽ là cần thiết để cân bằng thị trường vào năm 2022.
Với dự báo nhu cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay của Goldman Sachs, nguồn cung sẽ thiếu 5 triệu thùng/ngày.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran như đã nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran trong những tuần gần đây chưa tạo được bước đột phá để có thể khôi phục thỏa thuận và dỡ bỏ trừng phạt./.