Giá dầu tại New York để tuột mất ngưỡng 50 USD mỗi thùng

Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Chín giảm 1,67 USD xuống 49,19 USD/thùng, để tuột mất ngưỡng 50 USD/thùng kể từ ngày 2/4.
Giá dầu tại New York để tuột mất ngưỡng 50 USD mỗi thùng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khép lại phiên giao dịch ngày 22/7, giá dầu đi xuống sau khi Mỹ công bố báo cáo cho hay dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ tăng, làm gia tăng quan ngại về tình trạng nguồn cung năng lượng dôi dư trên toàn cầu.

Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng ​Chín giảm 1,67 USD xuống 49,19 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ phiên ngày 2/4, giá loại dầu này giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng.

Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 91 xu Mỹ và đóng phiên ở mức 56,13 USD/thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) ngày 22/7 cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2,5 triệu thùng trong tuần trước, riêng lượng dầu dự trữ tại trung tâm giao dịch dầu mỏ Cushing, Oklahoma tăng thêm 800.000 thùng.

Báo cáo của DoE cũng cho hay sản lượng khai thác “vàng đen” của nền kinh tế hàng đầu thế giới này cũng thay đổi không đáng kể, hiện áp sát mức cao kỷ lục xấp xỉ 9,6 triệu thùng/ngày.

Theo chuyên gia phân tích John Kilduff của Again Capital, bóng đen ảm đạm đang bao trùm thị trường dầu mỏ với việc mùa cao điểm du lịch Hè sắp kết thúc và thời điểm mà nhu cầu năng lượng lớn nhất đang bước vào những tuần cuối.

Đồng USD tăng giá cũng đang gây áp lực với thị trường dầu mỏ. Với đà này, cộng với sản lượng khai thác của Arabia Saudi và Iraq tăng và khả năng Iran được nối lại xuất khẩu dầu, một số chuyên gia dự báo giá dầu thô có thể giảm xuống mức thấp hồi tháng 3/2015, trung bình hơn 42 USD/thùng.

Theo nhà phân tích Tim Evans của Citi Futures, việc giá dầu Mỹ giảm xuống dưới 50 USD/thùng sẽ khiến tình trạng bán tháo diễn ra trầm trọng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.