Theo nhận định của giới chuyên gia, không phải việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit, mà giá dầu thô tăng mạnh mới được coi là “cơn gió ngược” có thể kéo đà tăng trưởng của kinh tế Anh đi xuống.
Đồng thời, việc này còn tạo ra những nguy cơ đối với kinh tế xứ sở sương mù trong thời gian tới.
Không thể phủ nhận việc Brexit đã gây tác động bất lợi đối với tăng trưởng cũng như vị thế của nước Anh trong nền kinh tế toàn cầu.
Đồng bảng sụt giảm, lạm phát gia tăng (chạm mức cao nhất trong 5 năm qua trong tháng 10 vừa qua), mức tăng lương chững lại vốn là những yếu tố gây sức ép lên tăng trưởng của kinh tế Anh. Tình hình này trở nên trầm trọng hơn với việc Anh rời khỏi EU.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích thuộc Pantheon Macroeconomics, sự gia tăng mạnh gần đây của giá dầu thô đang tạo ra những "cơn gió ngược" gây bất lợi cho kinh tế Anh trong năm 2018.
[OPEC xem xét khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng]
Giá dầu thô đã tăng trở lại mức cao nhất trong hai năm trở lại đây, chủ yếu do xáo động chính trị tại Saudi Arabia.
Cụ thể, trong phiên ngày 9/11, tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12 tới tăng 0,36 USD lên 57,17 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2018 tăng 0,44 USD (hay 0,7%) lên khép phiên ở mức 63,93 USD/thùng.
Chuyên gia Samuel Tombs thuộc Pantheon Macroeconomics cho rằng giá dầu tăng là tin bất lợi đối với kinh tế Anh, trong bối cảnh các mỏ dầu ở Biển Bắc đang dần cạn kiệt.
Theo ước tính của ông Tombs, giá dầu thô Brent Biển Bắc cứ tăng thêm 10 USD/thùng, tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ giảm 0,2%, nếu sức tiêu thụ vẫn duy trì ở mức năm 2016.
Nguyên do là giá dầu tăng tác động trực tiếp tới ví tiền của người tiêu dùng, trong khi chi tiêu tiêu dùng vẫn là động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Anh. Lẽ dĩ nhiên, giá dầu tăng cũng tác động không nhỏ tới lĩnh vực chế tạo.
Trong khi đó, theo dự báo kinh tế mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), nước Anh tăng trưởng yếu hơn so với hầu hết các nước EU.
Kinh tế Anh ước đoán sẽ tăng trưởng chậm lại mức 1,1% trong năm 2019, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với Italy, song yếu hơn rất nhiều so với mức dự đoán tăng trưởng 1,9% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Đồng thời, EC cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Anh trong năm 2017.
Đánh giá có phần bi quan của EC phản ánh tác động của tình trạng lạm phát tăng lên chi tiêu tiêu dùng, trong khi Brexit tiếp tục gây sức ép lên đầu tư./.