Giá dầu tăng hơn 1% sau một tuần giao dịch ảm đạm

Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 tăng 1 USD (1,2%) lên 83,12 USD/thùng và giá dầu giao tháng 8/2024 tăng 1,04 USD lên 82,88 USD/thùng.

Giếng dầu ở Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 1/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Giếng dầu ở Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 1/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 27/5 sau một tuần giao dịch ảm đạm bởi triển vọng về lãi suất của Mỹ trước tình hình lạm phát kéo dài.

Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 tăng 1 USD (1,2%) lên 83,12 USD/thùng và giá dầu giao tháng 8/2024 tăng 1,04 USD lên 82,88 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 93 xu Mỹ lên 78,65 USD/thùng. Giao dịch trầm lắng do các ngày nghỉ lễ ở Anh và Mỹ.

Tuần trước giá dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm gần 3% sau khi biên bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy một số quan chức có ý kiến sẽ sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu thấy cần thiết để kiểm soát lạm phát dai dẳng.

Chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết lòng tin thị trường đã trở nên không ổn định khi các nhà đầu tư liên tục thay đổi kỳ vọng quỹ đạo chính sách tiền tệ của Fed.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường khi có thêm tín hiệu về chính sách lãi suất.

Chỉ số này, dự kiến được công bố vào ngày 31/5, được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Số liệu về lạm phát ở Khu vực đồng euro cũng sẽ được công bố cùng ngày 31/5.

Các nhà kinh tế tin rằng mức lạm phát dự kiến lên tới 2,5% sẽ không ngăn cản Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng chính sách vào tuần tới.

Thị trường cũng sẽ chú ý đến cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 2/6.

Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2030 và dự kiến tiêu thụ sẽ lên mức cao nhất vào năm 2034 do khả năng sử dụng xe điện chậm lại khiến các nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất cao hơn mức trung bình cho đến cuối thập kỷ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.