Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất nhiều năm trong phiên giao dịch ngày 25/10, trước khi ổn định trở lại vào cuối phiên, giữa bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu tiêu thị nhiên liệu tăng cao tại Mỹ.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn đi ngang ở mức 83,76 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên này, giá dầu WTI đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2024 là 85,41 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 46 xu Mỹ, lên 85,99 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 86,70 USD/thùng vào giữa phiên này.
Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 9/2021. Giá dầu WTI vừa trải qua chín tuần tăng liên tiếp, trong khi giá dầu Brent ghi nhận tuần tăng thứ bảy liên tiếp.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cấp cao tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng toàn cầu tiếp tục hiện ra rõ nét khi giá dầu kéo dài đà tăng trong tuần này, kết quả của việc nhu cầu nhiên liệu liên tục gia tăng, còn nguồn cung hạn chế đang làm cạn kiệt các kho dự trữ toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ có thể đẩy giá dầu Brent lên trên mức dự báo vào cuối năm là 90 USD/thùng. Ngân hàng ước tính việc chuyển đổi từ khí tự nhiên sang dầu có thể khiến nhu cầu dầu mỏ tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng mỗi ngày.
[Giá xăng dầu tăng tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế]
Sau hơn một năm nhu cầu nhiên liệu giảm sút, mức tiêu thụ xăng và sản phẩm chưng cất đã trở lại mức trung bình trong 5 năm tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Giá dầu cũng được củng cố bởi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, điều này đã thúc đẩy việc chuyển đổi sang sử dụng dầu diesel và dầu mỏ để sản xuất điện.
Tại Ấn Độ, sản lượng dầu thô của các nhà máy lọc dầu trong tháng 9/2021 tăng cao hơn so với tháng trước, khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Trong phiên giao dịch 25/10, giá vàng thế giới tăng khoảng 1%, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đi xuống và mối lo ngại dai dẳng về lạm phát làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản an toàn.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.805,90 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2021 của Mỹ tăng 0,6% và đóng phiên ở mức 1.806,80 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia của công ty môi giới RJO Futures, có trụ sở tại Mỹ cho rằng động lực chính cho đà tăng của giá vàng phiên này là sự đi xuống của lợi suất trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp 1,62%, giúp làm giảm chi phí cơ hội khi nhà đầu tư nắm giữ vàng.
Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đánh giá tình trạng lạm phát cao có thể sẽ dịu bớt trong năm tới và cho biết Fed sẽ sớm thu hẹp chương trình mua tài sản.
Trong khi đó, Han Tan, nhà phân tích thị trường tại công ty quản lý tài sản Exinity, có trụ sở tại London (Anh), nhận định những bình luận của ông Powell có thể làm dấy lên lo ngại tình trạng lạm phát sẽ kéo dài lâu hơn và hỗ trợ giá vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát.
Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ diễn ra ngày 28/10 và cuộc họp của Fed sẽ diễn ra từ ngày 2-3/11.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 26/10, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 57,55-58,27 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.