Giá dầu thế giới giảm do lo ngại suy thoái kinh tế khiến nhu cầu hạ

Bất chấp việc Nga và Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khai thác, nhu cầu nhiên liệu chậm phục hồi tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và châu Âu đã che mờ triển vọng cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ.
Giá dầu thế giới giảm do lo ngại suy thoái kinh tế khiến nhu cầu hạ ảnh 1Một cơ sở lọc dầu tại khu vực al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm 1% trong phiên 3/7 do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và khả năng Mỹ tăng lãi suất lấn át sự hỗ trợ từ việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1% (tương đương 76 xu) xuống mức 74,65 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,2% (85 xu) xuống 69,79 USD/thùng.

Giá “vàng đen” đã đi lên sau khi hãng thông tấn quốc gia Saudi Arabia cho biết nước này sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, bao gồm cả tháng Tám.

Cụ thể, lượng dầu khai thác của Saudi Arabia trong tháng 7 và tháng 8 sẽ là 9 triệu thùng/ngày.

Thông báo của Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nêu rõ việc cắt giảm có thể tiếp tục kéo dài.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết nước này sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu 500.000 thùng/ngày vào tháng Tám, như một phần nỗ lực thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu và tăng giá cùng với Saudi Arabia.

Hồi tháng 3, Moskva cũng quyết định tự nguyên giảm lượng dầu khai thác 500.000 thùng/ngày so với mức trung bình tháng 2, sau đó 2 lần gia hạn quyết định này cho đến tháng 6 và đến cuối năm 2023.

Việc cắt giảm trên tương đương tới 1,5% nguồn cung toàn cầu, giúp nâng tổng mức cam kết của các nhà sản xuất dầu thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) lên 5,16 triệu thùng/ngày.

Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 4/6, OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024.

OPEC+ cho rằng sự thay đổi này phù hợp với cam kết liên tục của hiệp hội và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, “nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường.”

Tuy nhiên, giá lại giảm sau khi các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu đã sụt giảm trong tháng Sáu.

Nhu cầu chậm phục hồi ở Trung Quốc và châu Âu đã che mờ triển vọng cho các nhà xuất khẩu.

[Hoạt động kinh tế toàn cầu trì trệ, giá dầu giảm quý thứ tư liên tiếp]

Những lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu nhiên liệu càng ngày tăng khi lạm phát của Mỹ tiếp tục vượt mục tiêu 2%, làm dấy lên lo ngại về khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.

Lãi suất tại Mỹ cao hơn có thể góp phần củng cố giá trị đồng USD, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ông John Kilduff, quản lý cấp cao tại Công ty Tư vấn Tài chính Again Capital LLC, cho biết thị trường dầu đang đối mặt với những “cơn gió ngược” nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của việc các nhà sản xuất lớn cắt giảm thêm sản lượng dầu thô.

Nhà phân tích Tamas Varga của Công ty Tư vấn Dầu khí PVM đánh giá giới đầu tư đang trở nên lạc quan khi tiến vào nửa cuối năm.

Họ kỳ vọng nguồn cung trên thị trường dầu thắt chặt hơn trong khi tình hình thị trường chứng khoán cho thấy nền kinh tế sẽ "lách qua khe cửa hẹp" để tránh được một cuộc suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.