Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 4/10

Giá dầu thế giới giảm khi triển vọng sản lượng dầu từ Saudi Arabia và Nga gia tăng đã kích hoạt hoạt động bán ra chốt lời ngay sau ngày giá dầu mỏ chạm mức cao nhất trong bốn năm.
Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 4/10 ảnh 1Một cơ sở lọc dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 4/10, giá dầu thế giới giảm khi triển vọng sản lượng dầu từ Saudi Arabia và Nga gia tăng đã kích hoạt hoạt động bán ra chốt lời ngay sau ngày giá dầu mỏ mua bán theo các hợp đồng kỳ hạn chạm mức cao nhất trong bốn năm do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đang đến gần.

Cụ thể, khép lại phiên này tại thị trường New York, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,71 USD, hay 1,98%, xuống còn 84,58 USD/thùng.

Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,08 USD, hay 2,72%, và chốt phiên ở mức 74,33 USD/thùng.

[Thỏa thuận "ngầm" Nga-Saudi Arabia kéo giá dầu châu Á rời đỉnh]

Giới đầu tư đã bán ra chốt lời trong phiên này sau khi giá dầu Brent trong phiên trước đó leo lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012, còn giá dầu WTI cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng Một năm nay.

Tác động đến giá dầu phiên này còn có việc thị trường chứng khoán Mỹ sa sút, khi các chỉ số chính ở Phố Wall đều mất điểm. Giá dầu đôi khi vẫn biến động theo diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, lượng dầu thô dự trữ tại mỏ Cushing ở Oklahoma của Mỹ đã tăng khoảng 1,7 triệu thùng chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 28/9 đến 3/10, từ đó gây thêm áp lực lên giá dầu.

Giá “vàng đen” đang trên đà tăng trong thời gian qua khi thị trường chuẩn bị ứng phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới.

Bộ trường Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih ngày 4/10 cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể tăng sản lượng thêm 1,3 triệu thùng/ngày, nhưng lại không phát đi dấu hiệu nào cho thấy OPEC sẽ làm như vậy.

Nhưng hãng tin Reuters ngày 4/10 đưa tin Nga và Saudi Arabia đã đạt được một thỏa thuận riêng trong việc gia tăng sản lượng hồi tháng Chín vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.