Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% phiên giao dịch 13/5

Trong phiên giao dịch này giá dầu Brent giảm 79 xu Mỹ (2,6%) xuống 29,19 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 49 xu Mỹ (1,9%) xuống 25,29 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% phiên giao dịch 13/5 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch 13/5 mặc dù lần đầu tiên dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo về nhu cầu năng lượng do lo ngại nền kinh tế này sẽ mất nhiều tháng để phục hồi từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong phiên giao dịch này giá dầu Brent giảm 79 xu Mỹ (2,6%) xuống 29,19 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 49 xu Mỹ (1,9%) xuống 25,29 USD/thùng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh giá sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể sẽ không diễn ra suôn sẻ. Theo các quan chức Fed, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể tăng lên 20% hoặc cao hơn.

Tốc độ phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ an toàn của người dân Mỹ, và tiến trình phục hồi sẽ diễn ra không đồng đều, không chỉ giữa các khu vực mà còn giữa các lĩnh vực của nền kinh tế.

[Giá dầu thế giới giảm trước lo ngại về đợt bùng phát thứ hai COVID-19]

Bởi vậy, theo các quan chức Fed, việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa xã hội mà không giữ lại một số quy định về hạn chế tiếp xúc vẫn có thể sẽ nên các đợt bùng phát mới, song việc để nền kinh tế “đóng băng” trong 18 tháng tới, đến khi vắcxin phòng dịch COVID-19 được phát triển thành công cũng không phải là một lựa chọn có thể chấp nhận.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 745.000 thùng trong tuần trước, trong khi các nhà phân tích do hãng tin Reuters thăm dò ý kiến dự báo tăng 4,1 triệu thùng.

Chuyên gia Stephen Brennoc tại công ty môi giới dầu khí PVM cho biết, rất nhiều người lo ngại rằng việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa sẽ gây ra làn sóng tái lây nhiễm COVID-19.

Liên quan đến vấn đề cung dầu, Nội các Saudi Arabia đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường dầu toàn cầu.

Trước đó, ngày 11/5, Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, tương đương 1% nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đưa tổng sản lượng khai thác của nước này xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.