Giá dầu thế giới giảm mạnh do số liệu tiêu cực về hoạt động sản xuất

Trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, các nhà phân tích đã hạ dự báo mức giá trung bình đối với dầu Brent năm 2022 xuống 105,75 USD/thùng, lần điều chỉnh giảm đầu tiên kể từ tháng 4.
Giá dầu thế giới giảm mạnh do số liệu tiêu cực về hoạt động sản xuất ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 1/8, giá dầu thế giới giảm khoảng 4% khi số liệu tiêu cực về hoạt động sản xuất tại một số quốc gia “đè nặng” lên triển vọng nhu cầu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp diễn ra trong tuần này của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+. 

Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 3,94 USD (3,8%) xuống 100,03 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp 99,09 USD/thùng.

Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,73 USD (4,8%) xuống 93,89 USD/thùng, sau khi rơi xuống 92,42 USD/thùng.

Theo các cuộc khảo sát công bố mới đây, lĩnh vực chế tạo tại Mỹ, châu Âu và châu Á đều gặp khó khăn trong tháng Bảy khi nhu cầu toàn cầu suy yếu và chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc làm chậm sản xuất.

Giá dầu Brent và WTI đều kết thúc tháng Bảy với mức giảm hàng tháng thứ hai liên tiếp. Đây là lần đầu tiên giá hai mặt hàng này giảm hai tháng liên tiếp kể từ năm 2020 giữa bối cảnh đà tăng của lạm phát và lãi suất đào sâu mối lo ngại một cuộc suy thoái sẽ làm xói mòn nhu cầu nhiên liệu.

[Giá dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh trong cả tuần]

Các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đã hạ dự báo mức giá trung bình đối với dầu Brent năm 2022 xuống 105,75 USD/thùng, lần điều chỉnh giảm đầu tiên kể từ tháng Tư. Dự báo đối với dầu WTI cũng giảm xuống 101,28 USD/thùng.

Theo kế hoạch, OPEC+ sẽ nhóm họp ngày 3/8 để quyết định về sản lượng của tháng Chín.

Theo các nguồn tin thân cận, các nhà sản xuất có thể sẽ thảo luận về mức tăng khiêm tốn cho tháng Chín. Trong khi đó, nhiều người dự báo sản lượng có thể được giữ nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.