Giá dầu thế giới giảm trước diễn biến thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp

Giá dầu thế giới sụt giảm khi thị trường thận trọng trước diễn biến đàm phán hạt nhân Iran, thỏa thuận giải cứu Hy Lạp và báo cáo của OPEC.
Giá dầu thế giới giảm trước diễn biến thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 13/7 khi thị trường thận trọng trước những diễn biến liên quan tới đàm phán chương trình hạt nhân của Iran, thỏa thuận giải cứu Hy Lạp với các chủ nợ châu Âu và báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Chốt phiên 13/7, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng Tám giảm 54 xu xuống 52,20 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 88 xu xuống 57,86 USD/thùng.

Các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đã đạt được tiến bộ, song một số điểm then chốt vẫn chưa được giải quyết. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt đối với Iran có thể được dỡ bỏ, giúp Tehran quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới.

Các chuyên gia dự báo, nếu nhóm P5+1 và Iran ký được thoả thuận, giá dầu WTI của Mỹ và giá dầu thô Brent trong quý III/2015 có thể lần lượt giảm xuống các mức tương ứng dưới 50 USD/thùng và dưới 55 USD/thùng.

Trong khi đó, thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp đã kéo giá trị đồng USD tăng lên, khiến dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn với người mua sử dụng các đồng tiền khác. Nhà phân tích Tim Evan tại Citi Futures nhận định, các nhà giao dịch dầu mỏ đang lo ngại về đồng euro yếu đi so với USD trước những diễn biến tại Hy Lạp.

Ngoài ra, báo cáo tháng Bảy mới công bố của OPEC cho thấy, trong năm 2016, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến tăng thêm 1,34 triệu thùng/ngày lên 93,94 triệu thùng/ngày nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.