Giá dầu thế giới "mất phanh" do những lo lắng về lãi suất

Một nhà phân tích cấp cao cho rằng đã đến thời điểm dầu giảm giá; sau khi giá hàng hóa này tăng sát ngưỡng 100 USD/thùng, các nhà giao dịch năng lượng đang nhanh chóng chốt lợi nhuận.
Giá dầu thế giới "mất phanh" do những lo lắng về lãi suất ảnh 1Một cơ sở lọc dầu tại Houston, Texas (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên 28/9, chủ yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau khi giá “vàng đen” tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng.

Ngoài ra, thị trường cũng tồn tại một số lo ngại rằng môi trường lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Giá dầu Brent giao tháng 11/2023 (sẽ hết hạn vào ngày 29/9) giảm 1,17 USD, hay 1,2%, xuống mức 95,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 12/2023 cũng mất khoảng 1,3% xuống mức 93,10 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,97 USD, tương đương 2,1%, xuống khép phiên ở mức 91,71 USD/thùng.

Trước đó đầu phiên, những nỗi lo về nguồn cung khan hiếm và lượng dự trữ giảm mạnh đã nâng giá dầu Brent giao tháng 11 lên 97,69 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu WTI cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022 là 95,03 USD/thùng.

[Giá dầu thô Mỹ chạm đỉnh trong hơn 1 năm, tiến sát mốc 100 USD]

Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại công ty phân tích dữ liệu thị trường OANDA, cho rằng đã đến thời điểm dầu giảm giá. Sau khi giá hàng hóa này tăng sát ngưỡng 100 USD/thùng, các nhà giao dịch năng lượng đang nhanh chóng chốt lợi nhuận.

Trong khi đó, một số nhà giao dịch lo lắng giá dầu cao sẽ gây ra lạm phát. Điều này sẽ khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục duy trì lãi suất cao.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates nhận định giá dầu thô hiện đang đóng vai trò là chất xúc tác cho tâm lý thận trọng hơn trên thị trường. Vì các nhà đầu tư coi việc giá dầu tăng vọt là lý do khiến Fed duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến ban đầu nhằm kiềm chế lạm phát.

Các báo cáo chính thức mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã duy trì mức tăng trưởng khá ổn là 2,1% trong quý 2 năm 2023. Dường như nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lấy lại được động lực trong quý này nhờ thị trường lao động vững chắc thúc đẩy mức tăng lương mạnh mẽ.

Ước tính tăng trưởng trong quý từ tháng 7-9/2023 hiện tới mức 4,9%. Nhưng quý cuối cùng của năm nay có thể ghi nhận một sự sụt giảm mạnh nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.