Giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên 24/1 nhờ một loạt yếu tố thuận lợi hỗ trợ. Chúng bao gồm lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm lớn hơn dự kiến trong khi sản lượng sụt giảm, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị và đồng USD yếu hơn.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn phiên này tăng 49 xu (tương đương 0,6%) và đạt 80,04 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 72 xu (1,0%) lên mức 75,09 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 9,2 triệu thùng trong tuần trước, gấp hơn 4 lần mức giảm 2,2 triệu thùng được dự báo trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày cách đây hai tuần xuống mức thấp nhất của năm tháng là 12,3 thùng/ngày vào tuần trước, sau khi các giếng dầu đóng băng trong băng tuyết từ Bắc Cực tràn xuống.
Các quan chức bang North Dakota cho biết có thể mất một tháng để sản lượng tại bang sản xuất dầu lớn thứ ba nước Mỹ này phục hồi, sau khi thời tiết khắc nghiệt vào tuần trước đã buộc họ phải tạm dừng hơn một nửa sản lượng.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ thị trường là thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ mà các ngân hàng phải nắm giữ từ ngày 5/2.
Động thái này được cho là sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế mong manh của nước này. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn là tâm điểm của thị trường.
Trước đó một ngày, liên minh gồm 24 quốc gia do Mỹ và Anh dẫn đầu đã tiến hành những hành động quân sự mới đối với lực lượng Houthi ở Yemen, sau khi lực lượng này tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ và gây ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu./.
Nga vượt Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc
Trong năm 2023, Trung Quốc đã mua 107 triệu tấn dầu thô từ Nga, tương đương khoảng 2,15 triệu thùng mỗi ngày, trong khi chỉ nhập chưa đến 86 triệu tấn dầu thô từ Saudi Arabia.