Ngày 3/2, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tiếp tục tăng ngày thứ ba liên tiếp khi giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ và khả năng các nước cắt giảm sản lượng khai thác nhằm hạn chế tình trạng dư cung hiện nay.
Chốt phiên giao dịch trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3/2015 tăng 3,48 USD lên 53,05 USD/thùng.
Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng thời điểm tăng 3,16 USD lên 57,91 USD/thùng.
Đây là mức giá cao nhất kể từ thời điểm giá "vàng đen" rớt xuống đáy 44 USD/thùng hôm 28/1 vừa qua, thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây.
Như vậy, tính từ phiên giao dịch ngày 30/1 tới ngày 3/2, giá dầu WTI đã tăng gần 20%, tương đương 8,53 USD.
Giá dầu tăng sau khi ngành công nghiệp khai thác dầu ở Mỹ thắt chặt các hoạt động khai thác.
Chi nhánh ở Bắc Mỹ của Công ty Dịch vụ Dầu khí Baker Hughes cho biết đã cho ngừng hoạt động 128 giàn khoan dầu và hiện chỉ còn vận hành gần 2.000 giàn khoan, thấp hơn nhiều so với con số 2.393 giàn khoan hoạt động cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng việc các công ty và tập đoàn dầu mỏ lớn như BP và BG cắt giảm mạnh đầu tư khiến nguồn cung bị thu hẹp và việc USD tăng giá là nguyên nhân khiến "vàng đen" phục hồi, nhưng tình trạng này có thể sẽ không kéo dài do thị trường vẫn dư thừa nguồn cung.
Việc dầu mỏ chỉ nhích giá nhẹ không đủ để khỏa lấp nỗi lo lắng của Nga, quốc gia có phần lớn ngân sách phụ thuộc vào xuất khẩu mặt hàng này.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/2, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết Moskva ước tính có thể bị thiệt hại lên tới 160 tỷ USD mỗi năm nếu “vàng đen” giảm xuống 45 USD/thùng.
Đây là con số thiệt hại lớn nếu so với tổng trị giá các đơn hàng xuất khẩu dầu mỏ của Nga mỗi năm là 500 tỷ USD.
Cùng với tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, việc giá dầu lao dốc đang tác động mạnh tới cán cân thanh toán và nền kinh tế Nga. Tuần trước, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” nhằm tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay./.