Giá dầu thế giới tăng sau tiến triển đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Khép phiên giao dịch ngày 22/10, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 74 xu Mỹ (1,3%) lên 59,70 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 85 xu Mỹ (1,6%) lên 54,16 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng sau tiến triển đàm phán thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Một cơ sở lọc dầu tại Texas, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên ngày 22/10 sau khi Trung Quốc báo hiệu sự tiến bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh xem xét cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế bởi dự báo về lượng “vàng đen” tại các kho của Mỹ đầy lên.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 74 xu Mỹ (1,3%) lên 59,70 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 85 xu Mỹ (1,6%) lên 54,16 USD/thùng.

Các nước trong và ngoài OPEC đang cân nhắc liệu có nên cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp sắp tới vào ngày 5-6/12 tới hay không do có nhiều lo ngại về nhu cầu yếu trong năm 2020. Các nhà giao dịch cho hay đồn đoán về việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá dầu lên cao, song mức tăng bị giới hạn do thị trường vẫn quan ngại về vấn đề nhu cầu “vàng đen."

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho hay Washington và Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại và những vấn đề tồn đọng có thể được giải quyết miễn là đôi bên tôn trọng lẫn nhau.

[Lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc kéo giá dầu giảm gần 2%]

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tranh chấp thương mại trên thế giới sẽ làm tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 chậm lại xuống còn 3%, mức yếu nhất trong 10 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế yếu thường làm giảm nhu cầu hàng hóa như dầu.

Giá dầu cũng bị ảnh hưởng bởi dự báo về dự trữ dầu của Mỹ.

Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho hay lượng dầu dự trữ tại các kho của nước này đã tăng 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/10.

Dự kiến, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu chính thức về tình hình nguồn cung trong ngày 23/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.