Giá dầu thế giới tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên mức hơn 76 USD

Chốt phiên cuối tuần vào ngày 30/7, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 lên mức 76,33 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 3% nếu tính theo tuần, và tăng 1,6% trong cả tháng Bảy.
Giá dầu thế giới tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên mức hơn 76 USD ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại một trạm xăng của Tesco ở York, miền Bắc Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần qua, giá cả hai loại giá dầu chủ chốt đều tăng mạnh và tháng Bảy ghi nhận tháng tăng giá thứ tư liên tiếp của "vàng đen."

Trong hai phiên giao dịch đầu tuần 26-27/7, giá dầu giảm nhẹ khi sự lan rộng của biến thể Delta gây ra lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vào cuối tuần qua, với một số quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục hàng ngày và buộc mở rộng các biện pháp hạn chế để ngăn sự lây lan của dịch bệnh. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, trong các phiên tiếp theo, dự báo về sự thắt chặt nguồn cung dầu thô trong nửa cuối năm đã giúp giá dầu đảo chiều tăng mạnh. Đáng chú ý, giá dầu Brent vượt ngưỡng 76 USD/thùng trong phiên 29/7, sau khi có thông tin nguồn cung dầu tại Mỹ tiếp tục thu hẹp hơn nữa sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7. Trong khi đó, lượng dầu lưu kho tại trung tâm Cushing, bang Oklahoma (Mỹ) tiếp tục đi xuống.

Tính tới chiều 27/7, kho lưu trữ của Cushing có 36,299 triệu thùng dầu, giảm 360.917 thùng so với ngày 23/7. Đây là lần giảm thứ bảy liên tiếp của trung tâm chuyên giao vận các hợp đồng năng lượng kỳ hạn Mỹ này.

Đến phiên cuối tuần 30/7, và cũng là phiên cuối cùng của tháng Bảy, giá hai loại dầu chủ chốt tiếp nối đà tăng của hai ngày trước đó.

Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 tiến thêm 0,4% lên 76,33 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 3% nếu tính theo tuần, và tăng 1,6% trong cả tháng Bảy.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2021 cũng tăng gần 0,5% và đóng cửa phiên ở mức 73,62 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,6% so với tuần trước, và tăng gần 0,7% so với giá đóng cửa của tháng Sáu.

[OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ từ tháng Tám]

Theo Lukman Otunuga, nhà quản lý và phân tích thị trường tại công ty môi giới trực tuyến FXTM (trụ sở tại Cộng hòa Cyprus), giá dầu hưởng lợi nhờ động lực từ nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu gia tăng. Khi những lo ngại về tác động của biến thể Delta đối với nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm bớt, giá dầu có cơ hội tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá "vàng đen."

Tyler Richey, nhà phân tích của công ty nghiên cứu tài chính Sevens Report Research (Mỹ), chỉ ra rằng, thị trường dầu tháng Bảy vừa qua đã chứng kiến biến động mạnh. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài khối, được gọi là OPEC+, không đạt được thỏa thuận chính sách vào đầu tháng này đã đẩy giá dầu lên mức cao mới trong năm 2021.

Tuy nhiên, sau đó OPEC+ đã nhất trí tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng Tám, và điều này gây ra một đợt giảm giá dầu mạnh.

Giá dầu thế giới tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên mức hơn 76 USD ảnh 2Một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Jubail, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy vậy, một số chuyên gia phân tích cho là mức tăng trên quá thấp so với nhu cầu dự kiến phục hồi trong năm nay. Về dài hạn, thị trường dầu đang mất dần những yếu tố tích cực do ảnh hưởng của thỏa thuận tăng sản lượng của OPEC+, tuy nhiên, trong ngắn hạn, các nhà phân tích vẫn lạc quan vì hiện nay thị trường "vàng đen" vẫn đang ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung - dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm.

Theo chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Phil Flynn thuộc công ty tư vấn và môi giới đầu tư The Price Futures Group (Mỹ), lo ngại về khả năng nhu cầu dầu mỏ có thể bị "xóa sổ vĩnh viễn" do các biện pháp phong tỏa đã bị thổi phồng.

Thực tế là nhu cầu nhiên liệu đã tăng lên khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường đang chứng kiến nguồn cung thắt chặt, và vì thế nên giá dầu tăng mạnh như hiện nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nâng triển vọng đối với các nền kinh tế giàu nhưng lại hạ dự báo đối với các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.