Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch 5/5 do lo ngại về nguồn cung sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu thô.
Tuy nhiên, áp lực từ đồng USD mạnh và các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm đã giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.
Tại thị trường New York, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 76 xu Mỹ (0,7%) lên 110,90 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 45 xu Mỹ (0,4%) lên 108,26 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 25/3 và cũng là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 18/4.
[Giá dầu trên thị trường châu Á nối dài đà tăng trong phiên 5/5]
Trong khi đó, giá xăng giao kỳ hạn của Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất kể từ khi chốt ở mức cao kỷ lục vào ngày 8/3.
Đồng USD mạnh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Đề xuất trừng phạt của EU, cần sự ủng hộ nhất trí từ 27 quốc gia trong khối, bao gồm việc loại bỏ dần nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga vào cuối năm 2022 và cấm tất cả các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển dầu của Nga.
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, cho biết: “Thị trường dầu vẫn chưa được định giá đầy đủ trước khả năng bị EU cấm vận. Vì vậy giá dầu thô sẽ tăng trong những tháng mùa Hè nếu việc này được cả khối thông qua.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, ngày 5/5 cho biết họ sẽ bám sát các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022 bất chấp giá dầu thô tăng.