Giá dầu thế giới tăng trong phiên 9/9 song triển vọng kém sáng

Đóng cửa phiên cuối tuần 9/9, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,25 USD lên 86,79 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giao tháng 11 cũng tăng 3,69 USD lên mức 92,84 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 9/9 song triển vọng kém sáng ảnh 1Cơ sở lọc dầu ở thành phố Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên 9/9 sau khi đồng USD giảm giá, tuy nhiên, giới quan sát dự báo các tin tức kinh tế có vẻ sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá "vàng đen."

Thị trường dầu mỏ đầu tuần khởi sắc khi giá dầu thế giới đi lên sau khi nhóm các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng lần đầu tiên sau hơn một năm nhằm nâng đỡ giá dầu.

Tuy nhiên, các phiên sau đó, giá dầu quay đầu giảm mạnh do nhà đầu tư lo ngại các đợt tăng lãi suất và biện pháp phong tỏa do COVID-19 làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu. Đồng USD mạnh lên đã gây sức ép lên giá dầu, và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất và có thể gây ra suy thoái kinh tế.

Trong phiên giao dịch 7/9, giá dầu Brent thậm chí đã xuống 88 USD/thùng, ghi dấu lần đầu tiên kể từ ngày 8/2 giá dầu giao dịch dưới mốc 90 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm xuống 81,94 USD, mức thấp nhất kể từ tháng Một.

Các nhà quan sát cho rằng, với quyết sách mới của OPEC+ chỉ mang tính biểu tượng, sự chú ý của thị trường đã chuyển sang các vấn đề như dịch COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc và quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9.

Phil Flynn, một nhà phân tích của công ty tư vấn đầu tư Price Futures ở Chicago (Mỹ), cho biết về cơ bản, những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hiện nay là nguồn cung thắt chặt và lo ngại về sự suy giảm kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.

Giá dầu thế giới phục hồi trong phiên hai 8-9/9 sau khi đồng USD rời khỏi mức cao nhất trong 20 năm và lo ngại về nguồn cung tạm thời lắng dịu.

[Giá dầu thế giới phục hồi trong phiên giao dịch ngày 8/9]

Theo thông báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 8,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/9. Theo EIA, tổng dự trữ xăng trong tuần trước tăng 0,4 triệu thùng, trong khi dự trữ nhiên liệu chưng cất tăng 0,1 triệu thùng.

Đóng cửa phiên cuối tuần 9/9, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10 tăng 3,25 USD (3,9%) lên 86,79 USD/thùng trên sàn giao dịch New York. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11 cũng tăng 3,69 USD (tương đương 4,1%) và đóng cửa phiên ở mức 92,84 USD/thùng.

Tuy nhiên, so với tuần trước, giá dầu WTI giảm 0,1% và Brent giảm 0,2%, theo số liệu của Dow Jones Market Data.

Đồng USD mạnh đã gây áp lực lớn đến giá dầu do đồng bạc xanh tăng giá khiến những mặt hàng giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác.

Michael Lynch, người đứng đầu công ty tư vấn chiến lược SEER, nhận xét đồng USD yếu đi sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất đã hỗ trợ cho giá dầu, khiến những người đã bán tháo đang mua lại. Tuy nhiên, về dài hạn, các tin tức kinh tế có vẻ sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá "vàng đen."

Viễn cảnh dầu mỏ và khí đốt của Nga mất khả năng tiếp cận thị trường dầu toàn cầu cũng có thể "tiếp sức" cho giá dầu, với việc Chính phủ Nga đe dọa hủy bỏ các hợp đồng nếu Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thúc đẩy thành công kế hoạch áp giá trần đối với dầu của Nga.

Tuy nhiên, Benjamin Salisbury, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Height Capital Markets, chỉ ra rằng "về cơ bản, bằng cách giảm các khách hàng mua dầu giá cao của Nga, kế hoạch trên sẽ trao quyền lợi cho những người mua còn lại."

Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tăng cao ở châu Âu có thể tạo động lực cho một số nước chuyển sang sản xuất điện bằng dầu.

Ông Michael Tran, nhà phân tích tại công ty môi giới RBC Capital Markets, cho biết giá khí đốt TTF giao dịch ở mức gần 210 euro/MWh, tương đương với dầu thô ở mức 360 USD/thùng.

Theo chuyên gia Michael Tran, giá khí đốt hiện tại cao hơn gần 15 lần so với thông thường. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu dầu tăng thêm khoảng 300.000 thùng/ngày, nhưng việc xác định mức tăng là một thách thức do sự thiếu thông tin về nhu cầu của máy phát điện chạy chạy bằng dầu diesel và các nồi hơi công nghiệp.

Giá khí đốt càng cao, nguy cơ suy thoái của châu Âu càng tăng, và tác động tiêu cực có thể lan rộng hơn so với mức tăng nhỏ trong nhu cầu dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.