Giá dầu thế giới đã tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên 21/6 trong bối cảnh giá ngô và đậu tương Mỹ tăng lên mức cao của nhiều tháng, làm dấy lên đồn đoán về sản lượng vụ mùa trên toàn cầu thiếu hụt có thể làm giảm sự pha trộn nhiên liệu sinh học và tăng nhu cầu dầu mỏ.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,22 USD (1,6%) lên 77,12 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,34 USD (1,9%) lên 72,53 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều chạm mức cao của hai tuần trong phiên trước đó.
Giá ngô trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng 5,2% trong phiên 21/6 sau khi chính phủ công bố báo cáo cho thấy tình hình thời tiết khô hạn đang ảnh hưởng đến phần lớn vụ mùa của Mỹ mà gần đến các giai đoạn phát triển quan trọng. Giá đậu tương giao tháng 11/2023 tại CBOT đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/3.
[Giá dầu giảm do những nghi ngại về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc]
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ thị trường dầu là đồng USD giảm giá so với rổ tiền tệ chính phiên 21/6 sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngụ ý rằng Fed sắp đạt được mục tiêu chính sách.
Đồng USD rẻ hơn khiến dầu được giao dịch bằng đồng tiền này hấp dẫn hơn cho những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền tệ khác, qua đó làm tăng nhu cầu.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ hôm 21/6, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng tăng. Theo các nguồn tin này, các nguồn dự trữ dầu thô đã giảm khoảng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 16/6.
Dữ liệu chính thức về kho dự trữ của Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng công bố ngày 22/6, sau khi bị trì hoãn một ngày vào ngày lễ Juneteenth hôm 19/6.
Mức tăng của giá dầu đã bị hạn chế sau dữ liệu cho thấy lạm phát của Anh đã đánh tan sự kỳ vọng chậm lại của thị trường. Lạm phát của Anh ở mức 8,7% trong tháng 5/2023, thúc đẩy đồn đoán Ngân hàng trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 22/6.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty tài chính OANDA cho biết các quốc gia đang vật lộn để kiềm chế lạm phát và điều đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và đe dọa suy thoái trên toàn cầu./.