Thị trường dầu mỏ đã có dấu hiệu ấm lên trong những phiên gần đây nhờ sản lượng dầu của Mỹ đang có chiều hướng giảm dần, và như vậy giảm bớt gánh nặng về tình trạng dôi dư nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gia tăng sẽ khiến cán cân cung cầu nghiêng về phía nguồn cung và ảnh hưởng đến triển vọng của giá dầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu thế giới sẽ duy trì ở mức thấp trong vài năm tới.
Tại sao dầu mỏ rớt giá?
Một số ý kiến cho rằng tình trạng lao dốc của giá dầu là do động cơ chính trị của Mỹ và các đồng minh nhắm vào Nga và một số quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ. Song quan điểm của số đông lại lý giải sự đi xuống của giá dầu là do nguồn cung gia tăng trên thị trường.
Thống kê cho thấy kể từ năm 2009, sản lượng dầu mỏ tại Mỹ đã tăng 4 triệu thùng/ngày. Trong lúc hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu thô vẫn bị cấm, lượng nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ đang giảm mạnh, góp phần dẫn tới sự dư thừa nguồn cung.
Các chuyên gia nhấn mạnh giá dầu giảm mạnh không phải là một "âm mưu chính trị" mà là kết quả tất yếu từ các yếu tố khách quan đưa lại.
Thứ nhất do sự phục hồi của nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng. Việc đồng USD mạnh lên thì giá dầu giảm xuống là điều không tránh khỏi.
Thứ hai là nhu cầu năng lượng của toàn cầu yếu khi kinh tế thế giới ảm đạm. Một mặt việc tiêu thụ năng lượng ở các nước phát triển có xu hướng giảm xuống: Mỹ trong những năm gần đây về cơ bản đã bảo đảm được tự túc năng lượng, thậm chí có xu hướng xuất khẩu; nhu cầu năng lượng của châu Âu và Nhật Bản cũng đang trong xu hướng giảm xuống.
Mặt khác, nhu cầu năng lượng của các nước đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đã ổn định. Trung Quốc, do có sự thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển, nên nhu cầu về năng lượng phục vụ tăng trưởng nhanh trong suốt một thời gian dài giờ chững lại.
Thứ ba, sự bùng nổ trong việc khai thác dầu cát của Canada và dầu khí đá phiến của Mỹ đã giúp tăng sản lượng dầu mỏ tại khu vực Bắc Mỹ. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 25 năm qua. Trong khi đó, sản lượng của các nước OPEC và Nga không hề suy giảm.
Giá dầu tiếp tục “đi xuống”?
Bất chấp thực tế giá dầu giảm mạnh, OPEC vẫn quyết không chịu giảm sản lượng để duy trì thị phần trên thế giới.
Các chuyên gia nhận định OPEC có ý đồ dùng sự giảm giá của dầu mỏ là “vũ khí tiến hành một cuộc đấu” lâu dài đối với các doanh nghiệp khai thác dầu khí đá phiến, với mục tiêu “hất cẳng” các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ ra khỏi thị trường.
Saudi Arabia và một số nhà sản xuất dầu mỏ giàu có tại vùng Vịnh đã lập luận rằng mức giá thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng cao và gây sức ép lên ngành sản xuất dầu khí đá phiến tại Mỹ, qua đó giúp tái cân bằng thị trường và đẩy giá dầu lên mức cao hơn vào nửa cuối năm 2015.
Tuy nhiên, tạp chí The Economist cho rằng toan tính của OPEC có thể không thành, bởi cuộc cách mạng khí đá phiến tại Mỹ là dựa trên các công nghệ khai thác mới.
Các công ty khai thác này có thể rất linh hoạt và phản ứng nhanh với sự đi xuống của giá dầu và do đó, công suất sản xuất sẽ tiếp tục tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ sẽ giảm dần trong năm nay, song có thể sẽ tăng 50% so với năm 2014, lên 5,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020.
Trong bối cảnh này, OPEC đánh giá tình trạng dư cung (hiện khoảng 1,5 triệu thùng/ngày) có thể tiếp diễn hoặc thậm chí có thể tăng lên, một khi phương Tây và Iran đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân trong năm nay.
Trong khi đó, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 xuống 99,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1,1 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với mức 92,4 triệu thùng/ngày trong năm 2014.
Các nhà phân tích nhận định với triển vọng cung ngày càng vượt cầu, thị trường “vàng đen” sẽ đối mặt với triển vọng không mấy sáng sủa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về dài hạn, dầu mỏ vẫn là một nguồn tài nguyên hữu hạn và nếu con người chưa thể thay thế loại nhiên liệu này bằng một loại nhiên liệu khác, giá dầu chắc chắn sẽ dần dần được đẩy lên mức cao, thậm chí là “đắt đỏ.”
Dù vậy, sự giảm giá của dầu mỏ hiện nay sẽ có tác động tích cực đến kinh tế thế giới. Báo cáo của WB ước tính giá dầu giảm 45% sẽ giúp GDP toàn cầu tăng từ 0,7-0,8% trong trung hạn cũng như giúp lạm phát toàn cầu giảm 1% trong ngắn hạn./.