Giá dầu thế giới tăng khoảng 1 USD/thùng phiên 12/1 nhờ số liệu cho thấy giá tiêu dùng bất ngờ giảm trong tháng 12/2022 và tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm 0,1%, cho thấy lạm phát hiện đang duy trì xu hướng đi xuống.
Nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đang mở cửa kinh tế trở lại sau khi kết thúc giai đoạn bị “kìm kẹp” do dịch COVID-19, thúc đẩy hy vọng nhu cầu dầu tăng cao hơn.
[Giá dầu thế giới tăng hơn 3% lên mức cao nhất trong một tuần]
Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 1,3 USD/thùng (1,7%) lên 84,03 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 98 xu Mỹ (1,3%) lên 78,39 USD/thùng.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là đồng USD giảm xuống mức thấp của gần 9 tháng so với đồng euro sau khi số liệu lạm phát đã nâng đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mềm mỏng hơn trong chính sách lãi suất.
Phiên 11/1, giá hai loại dầu chủ chốt này đã tăng 3% nhờ hy vọng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ không ảm đạm như nhiều người lo ngại.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), nhận định việc hạ cánh nhẹ nhàng hơn đối với Mỹ và các nước khác, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau làn sóng COVID-19 hiện tại có thể tạo ra một năm tốt hơn nhiều so với lo ngại và kích thích nhu cầu dầu thô tăng thêm.
Thị trường cũng đang chuẩn bị cho việc nguồn cung dầu từ Nga tiếp tục bị cắt giảm liên quan đến các lệnh trừng trừng phạt đối với nước này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lệnh cấm sắp tới của EU đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển vào ngày 5/2 có thể gây gián đoạn hơn so với lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển của EU được thực hiện vào tháng 12/2022.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 19 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/1 lên 439,6 triệu thùng, trái ngược so với dự báo giảm 2,2 triệu thùng mà các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters (Anh) đưa ra./.