Giá dầu thô giảm sau thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran

Giá dầu trên thị trường thế giới ngày 2/4 tiếp tục sụt giảm thêm gần 4% do lo ngại nguồn cung sẽ trở nên dư thừa hơn nữa sau thỏa thuận khung giữa Nhóm P5+1 với Iran.
Giá dầu thô giảm sau thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran ảnh 1 Cơ sở lọc dầu Zawiya cách thủ đô Tripoli, Libya khoảng 40km về phía tây. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Do lo ngại nguồn cung sẽ trở nên dư thừa hơn nữa sau thỏa thuận khung giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) với Iran, giá dầu trên thị trường thế giới ngày 2/4 tiếp tục sụt giảm thêm gần 4%.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết, đến thời điểm đóng cửa ngày 2/4, giá dầu thô Brent của Biển Bắc giao tháng Năm giảm 2,15 USD, tương đương với 3,8%, xuống còn 54,95 USD, cao hơn gần 1 USD so với mức giá trước đó trong ngày.

Giá dầu WTI của Mỹ trong ngày cũng giảm thêm 0,95 USD, tương ứng với 2,0%, xuống còn 49,14 USD/thùng.

Ông Naeem Aslam, chuyên gia phân tích hàng đầu của công ty AvaTrade, cho rằng thỏa thuận khung mà Nhóm P5+1 đạt được cùng ngày về chương trình hạt nhân của Iran như “một cú đấm” vào mặt hàng dầu thô vốn đang tiếp tục đà mất giá.

Theo ông, “chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến giá loại nhiên liệu sống còn đối với mọi nền kinh tế này dễ dàng lao dốc xuống mức 30 USD/thùng.”

Giới chuyên gia nhận định với thỏa thuận khung vừa đạt được mở đường tiến tới hiệp định toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran, lệnh cấm vận dầu sẽ được bãi bỏ đối với Iran, dẫn tới việc càng làm dư thừa nguồn cung.

Hiện nay, do lệnh cấm vận, Iran chỉ có thể xuất khẩu 1 triệu thùng dầu so với 2,5 triệu thùng/ngày của thời điểm trước khi có lệnh cấm.

Với tiềm năng của mình, Iran trong vòng vài tháng có thể tăng lượng xuất khẩu dầu thô thêm từ 600.000 đến 800.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, ông Bob McNally, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George W. Bush, hiện là cố vấn của công ty nghiên cứu năng lượng Rapidan Group, cho rằng khả năng trên chưa thể trở thành hiện thực ngay lập tức vì các biện pháp trừng phạt kinh tế “không thể được dỡ bỏ trước cuối năm 2015, thậm chí đầu năm 2016”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.