Giá dầu thế giới ít biến động trong phiên 16/7 và giảm trong cả tuần do khả năng bổ sung nguồn cung trong thời điểm số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể dẫn tới các biện pháp hạn chế được thực hiện nhằm kiểm soát dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu.
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 12 xu Mỹ, hay 0,2%, chốt phiên cuối tuần ở mức 73,59 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 16 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 71,81 USD/thùng.
Dù tăng nhẹ phiên cuối tuần, giá dầu Brent giảm gần 3% trong cả tuần, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Còn giá dầu WTI giảm gần 4% trong cả tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba.
[OPEC thỏa hiệp, chấp nhận cho UAE tăng sản lượng dầu mỏ]
Trước đó, giá dầu giảm hơn 1 USD trong phiên 15/7, khi thị trường kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ gia tăng sau sự thỏa hiệp giữa các nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Giá dầu Brent giảm 1,29 USD (1,7%) xuống khép phiên ở mức 73,47 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng để mất 1,48 USD (2,2%) xuống mức 71,65 USD/thùng.
Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 14/7 sau khi các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đạt được thỏa hiệp về nguồn cung và nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ giảm trong tuần vừa qua. Giá dầu Brent giảm 1,73 USD (2,26%) xuống 74,76 USD/thùng, trong khi giá WTI giảm 2,12 USD (2,82%) xuống 73,13 USD/thùng.
Còn trong phiên 13/7, giá dầu tăng gần 2% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nguồn cung có thể bị thắt chặt hơn do bất đồng giữa các nhà sản xuất lớn về lượng dầu thô bổ sung sẽ cung cấp cho thị trường thế giới. Giá dầu Brent tăng 1,33 USD (1,8%) lên 76,49 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,15 USD (1,6%) lên 75,25 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm trong phiên 12/7, do lo ngại tình trạng lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 có thể làm chệch hướng đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 39 xu Mỹ (0,5%) xuống 75,16 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 46 xu Mỹ (0,6%) xuống 74,10 USD/thùng.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng Sáu khi nhu cầu hàng hóa vẫn mạnh dù hoạt động chi tiêu quay trở lại với các dịch vụ, đưa đến hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh lên trong quý 2.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, trước tình hình giá dầu tăng trong những tháng qua, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục tăng chậm. Với 2 giàn được đưa vào hoạt động trong tuần qua, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã lên tới 380, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng đầu thô của nước này tăng 300.000 thùng/ngày trong hai tuần qua, lên 11,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 9/7, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Trong khi đó, Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong tuần qua đã đạt được sự nhượng bộ, mở đường để OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí về thỏa thuận tăng sản lượng. OPEC+ trước đó đã không "tìm được tiếng nói chung" về thỏa thuận tăng sản lượng do sự phản đối của UAE.
OPEC nhận định nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng trong năm tới, lên mức trước đại dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ tăng trưởng nhu cầu tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 liên quan tới biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh có thể dẫn tới việc thực hiện các biện pháp phong tỏa, từ đó ảnh hưởng đến các dự báo gần đây về nhu cầu dầu./.