Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI chạm mức cao nhất trong hơn 3 năm

Trong phiên giao dịch ngày 18/4, giá dầu thế giới tăng gần 3% do lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm và có nguồn tin cho rằng Saudi Arabia muốn thấy giá dầu tiến gần hơn đến mốc 100 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI chạm mức cao nhất trong hơn 3 năm ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại cảng Lagos, Nigeria ngày 23/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 18/4, giá dầu thế giới tăng gần 3% do lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm và có nguồn tin cho rằng Saudi Arabia muốn thấy giá dầu tiến gần hơn đến mốc 100 USD/thùng.

Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,9 USD, hay 2,7% lên 73,48 USD/thùng, trong khi tại New York giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,95 USD, hay 2,9% lên 68,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Ba nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia muốn giá dầu tăng lên mức 80 USD hay thậm chí là 100 USD/thùng, một dấu hiệu cho thấy Riyadh sẽ kiên định với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dù các nước đã đạt được mục tiêu ban đầu của thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ khi số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm xuống trong tuần trước, trong đó, lượng xăng và các sản phẩm chưng cất dự trữ giảm mạnh hơn dự đoán do nhu cầu tăng mạnh.

[Thị trường dầu mỏ vẫn bị ám ảnh về nguy cơ gián đoạn nguồn cung]

Còn lượng dầu thô dự trữ giảm 1,1 triệu thùng do lượng dầu thô nhập khẩu ròng giảm 1,3 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu cũng có thêm động lực nhờ những đồn đoán rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Ủy ban gồm các bộ trưởng dầu mỏ của các nước OPEC, có nhiệm vụ giám sát việc thực thủ thỏa thuận này của các nước trong và ngoài tổ chức này, sẽ diễn ra ở thành phố Jeddah ở Saudi Arabia vào ngày 20/4 tới.

Dầu cũng được hưởng lợi khi giới đầu tư cho rằng tình hình căng thẳng ở Trung Đông có thể khiến nguồn cung “vàng đen” bị gián đoạn, trong đó có tác động từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran, cũng như sản lượng dầu đang sa sút của quốc gia đang bị khủng hoảng Venezuela. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.