Giá dầu thô thế giới tăng lên mức cao nhất trong 4 năm qua

Chốt phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thô Brent tăng gần 81 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 sau khi OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác từ chối tăng sản lượng dầu.
Giá dầu thô thế giới tăng lên mức cao nhất trong 4 năm qua ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở cảng Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chốt phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thô Brent đã tăng tới gần 81 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác từ chối hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ.

Giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 11 đã tăng tới 80,94 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 12/11/2014.

Các hợp đồng giao dầu thô Brent chuẩn sau đó đứng ở mức 80,85 USD/thùng, tăng 2,05 USD khi chốt phiên cuối tuần trước.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 cũng tăng 1,52 USD lên 72,30 USD/thùng sau khi lên mức cao nhất trong 2 tháng qua.

[Giá dầu tại châu Á tăng 2% trước các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran]

Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng sau khi OPEC và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ, trong đó có Nga, đã kết thúc cuộc họp tại thủ đô Algiers của Algeria mà không đưa ra đề xuất chính thức về tăng sản lượng dầu mỏ bổ sung.

Các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC bác bỏ mọi đề xuất tăng ngay lập tức hay bổ sung sản lượng dầu thô, từ chối hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ sau khi giá dầu thô Brent Biển Bắc đã lên tới 80 USD/thùng trong tháng này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih để ngỏ khả năng có thể tăng sản lượng trong tương lai trong bối cảnh nguồn cung dầu bị siết chặt do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran, vốn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.