Giá dầu giảm từ mức cao kỷ lục ba năm qua trong phiên 11/1, khi có những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi 13% kể từ đầu tháng 12/2017 có thể đã khép lại, mặc dù sản lượng và dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm đã phần nào hỗ trợ giá dầu.
Tại Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,11 USD xuống 63,46 USD/thùng vào lúc 14 giờ 53 phút theo giờ Việt Nam, mặc dù vẫn áp sát mức cao nhất kể từ tháng 12/2014 là 63,67 USD/thùng được ghi nhận vào phiên trước.
Trong khi giá dầu Brent kỳ hạn giảm 0,15 USD xuống 69,05 USD/thùng, và cũng ở gần mức 69,37 USD/thùng trong phiên trước, mức cao kỷ lục kể từ tháng 5/2015.
Theo BMI Research, trong quý 1, dầu Brent có nguy cơ giảm khi thị trường dường như quá nóng và các nền tảng sẽ yếu đi theo mùa.
[Các nhân tố địa chính trị khiến giá dầu lên cao nhất trong 3 năm qua]
Sức ép đi xuống đối với giá dầu gia tăng khi các nước sản xuất lớn thứ hai và thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Iran và Iraq trong tuần này giảm giá bán để duy trì sự cạnh tranh.
Cho đến nay, các thị trường dầu mỏ nhìn chung được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng do OPEC và Nga dẫn đầu. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của các nước trong và ngoài OPEC này bắt đầu từ tháng 1/2017 kéo dài đến hết năm 2018.
Yếu tố hỗ trợ tức thì đối với giá dầu là việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm gần 5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/1, xuống 419,5 triệu thùng, thấp hơn mức trung bình của 5 năm là trên 420 triệu thùng và sản lượng của nước này giảm 290.000 thùng/ngày, xuống 9,5 triệu thùng/ngày./.
Tuy nhiên, sự giảm sút này được cho sẽ chỉ là tạm thời vì có thể do thời tiết lạnh ở các khu vực rộng lớn tại Bắc Mỹ, khiến một số nhà sản xuất trên bờ phải đóng cửa.
Mặc dù vậy, có những dấu hiệu đáng chú ý khác đang xuất hiện. Dự trữ nhiên liệu tại châu Á và Mỹ vẫn dồi dào và trong một số trường hợp đang tăng.
Với giá dầu tăng hơn 13% kể từ đầu tháng 12, một số nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ có sự điều chỉnh giảm xuống./.