Giá dầu trên thị trường thế giới đi xuống trong phiên 9/6

Kết thúc phiên 9/6, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 7/2022 giảm 60 xu Mỹ (0,5%) xuống 121,51 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 hạ 51 xu Mỹ xuống 123,07 USD/thùng.
Giá dầu trên thị trường thế giới đi xuống trong phiên 9/6 ảnh 1Trạm bán xăng dầu ở Essen, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch 9/6, song vẫn dao động gần ngưỡng cao nhất ba tháng sau khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) áp đặt các biện pháp phong tỏa xã hội mới liên quan đến đại dịch COVID-19.

Giá các sản phẩm dầu tinh chế tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy đà tăng giá liên tục gần đây của dầu thô.

Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 7/2022 giảm 60 xu Mỹ (0,5%) xuống 121,51 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 8/2022 hạ 51 xu Mỹ (tương đương 0,4%) xuống 123,07 USD/thùng.

[Infographics] Giá dầu thế giới lên mức cao nhất trong 13 tuần  

Giá dầu đang tăng đều đặn trong hai tháng qua, dẫn đến giá các sản phẩm dầu tinh chế tăng mạnh do nguồn cung dầu bị thắt chặt và nhu cầu tăng cao.

Trên toàn thế giới, nhiều nhà máy lọc dầu đã đóng cửa các cơ sở sản xuất và công suất cũng bị hạn chế do nguồn cung bị thắt chặt ở Nga, nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu hàng đầu thế giới, do cuộc xung đột với Ukraine.

Nhu cầu xăng vào mùa Hè cao điểm tại Mỹ tiếp tục thúc đẩy giá dầu thô. Mỹ và các quốc gia khác đã tham gia vào một loạt các đợt giải phong kho dự trữ dầu chiến lược, nhưng tác dụng của động thái này vẫn còn hạn chế do sản lượng dầu thô toàn cầu tăng rất chậm.

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ hôm 8/6 cho thấy dự trữ xăng của nước này bất ngờ giảm vào tuần trước, cho thấy nhu cầu về nhiên liệu đang phục hồi trong thời gian cao điểm đi lại, bất chấp giá xăng cao ngất ngưởng. Nhu cầu xăng trong 4 tuần qua của Mỹ đạt trung bình khoảng 9 triệu thùng/ ngày, chỉ giảm 1% so với mức tương ứng của cùng kỳ năm 2021.

Thomas Saal, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty dịch vụ tài chính StoneX Financial (Mỹ), cho biết: “Mặc dù giá cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy nhu cầu giảm đáng kể.”

Các nhà tinh chế dầu đã không thể bắt kịp với nhu cầu. Mặc dù Mỹ đang đạt công suất lọc dầu gần cao nhất từ trước tới nay, nhưng các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc lại ngừng hoạt động do các hạn chế liên quan đến COVID-19.

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2022 của Trung Quốc đã tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, khi việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cho phép một số nhà máy hoạt động trở lại. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2022 và cao gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, bất chấp số liệu thương mại của Trung Quốc khá lạc quan, giá dầu cuối cùng đã đảo chiều đi xuống từ đà tăng nhẹ đầu phiên.

Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), nhận định: “Điều quan trọng hơn là thông tin về quận Minhang ở Thượng Hải đã phong tỏa vào ngày hôm nay, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu khác ở Trung Quốc vì chính sách “Zero COVID”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.