Giá dầu trên thị trường thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% ngay trong phiên ngày 14/3 xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần trong bối cảnh thị trường hy vọng về một tiến triển ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng Nga-Ukraine.
Giá dầu trên thị trường thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp ảnh 1Một trạm bơm xăng ở Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần, song đà giảm mạnh từ đầu tuần vẫn khiến thị trường dầu thế giới chứng kiến tuần đi xuống thứ hai liên tiếp.

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% ngay trong phiên mở đầu tuần này (ngày 14/3) xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần trong bối cảnh thị trường hy vọng về một tiến triển ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Nga-Ukraine, một diễn biến sẽ thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.

Trong khi đó, lệnh cấm đi lại liên quan đến dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang làm dấy lên nghi ngại về vấn đề nhu cầu.

[IEA đề xuất các biện pháp cụ thể giảm mức tiêu thụ dầu]

Một quan chức cấp cao cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cố gắng thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu, trong khi Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol thúc giục các nước sản xuất dầu bơm thêm dầu.

Mới đây, Ấn Độ cho biết nước này có thể giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ quốc gia.

Các quan chức Ấn Độ cũng cho biết New Delhi đang xem xét đề nghị mua dầu thô và các mặt hàng khác của Nga với giá chiết khấu.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết Mỹ cần phải đưa ra quyết định để hoàn tất một thỏa thuận nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới.

Một số người lo ngại cuộc đàm phán có thể "đổ vỡ" và 49/50 thượng nghị sỹ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân mới.

Xu hướng đi xuống của giá dầu thế giới kéo dài trong hai phiên liên tiếp sau đó, chạm mức thấp nhất gần ba tuần, khiến nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo rằng điều này cho thấy thị trường đang quá lạc quan rằng tình hình căng thẳng hiện tại sẽ sớm kết thúc.

Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc COVID-19 hàng ngày. điều này có thể làm chậm tốc độ tiêu thụ nhiên liệu khi nước này áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Louise Dickson, chuyên gia phân tích của công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) ước tính một đợt phong tỏa nghiêm trọng tại Trung Quốc có thể khiến lượng tiêu thụ dầu giảm 0,5 triệu thùng/ngày.

Thêm vào đó, lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng 4,3 triệu thùng trong tuần trước cũng đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư, trái ngược với dự đoán giảm được đưa ra trước đó.

Giá dầu trên thị trường thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp ảnh 2Cơ sở lọc dầu tại Texas, Mỹ ngày 24/2/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn ba năm, như dự đoán không làm thay đổi hướng đi cơ bản của giá dầu.

Tuy nhiên, lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga một lần nữa dấy lên, khiến giá “vàng đen” đảo chiều đi lên trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (17-18/3).

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết: “Thị trường đang có những lo lắng mới về việc có thể mất thêm một nguồn cung dầu từ Nga.”

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, khoảng 3 triệu thùng/ngày dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga có thể bị chặn lại khỏi biên giới nước này từ tháng tới.

IEA cho biết mức thiếu hụt đó sẽ lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu cao hơn.

Kết thúc phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,72 USD, lên 104,70 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 1,29 USD (1,2%), lên 107,93 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều giảm khoảng 4% trong tuần qua.

Theo công ty dịch vụ dầu khí  Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã giảm 3 giàn khoan dầu đang hoạt động ở nước này, xuống còn 524 giàn khoan.

Công ty tư vấn FGE cho biết dự trữ sản phẩm dầu chưng cất trên đất liền tại các nước sản xuất dầu lớn hiện thấp hơn 39,9 triệu thùng so với mức trung bình của cùng kỳ năm 2017-2019.

Trong những tuần qua, giá dầu đã trải qua giai đoạn bất ổn nhất kể từ giữa năm 2020.

Sau khi trượt giá do nhà đầu tư đổ xô chốt lời lúc dầu tăng giá mạnh, giá “vàng đen” đã phục hồi với dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ sớm “siết chặt” thị trường năng lượng.

Trong tám phiên giao dịch gần đây, mỗi thùng dầu Brent đã giao dịch ở mức cao nhất là 139 USD và thấp nhất là 98 USD - chênh lệch hơn 40 USD/thùng.

Theo giới phân tích, điều đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư thoát khỏi thị trường, tạo điều kiện cho sự biến động giá mạnh hơn trong những tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.