Giá dầu thế giới tuần qua đã tạm dứt chuỗi năm tuần tăng giá liên tiếp trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và lượng dầu dự trữ tại Mỹ đầy lên, làm tồi tệ thêm tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ.
Thị trường mở đầu tuần bằng một phiên tăng giá, tiếp đà tăng mạnh trong những phiên trước đó khi giới đầu tư lạc quan về triển vọng các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới có thể tiến tới đạt được một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu ở mức hiện tại.
"Vàng đen" tiếp tục vững giá trong phiên tiếp theo (ngày 22/3), bất chấp vụ đánh bom tại Brussels (Bỉ) khiến 31 người thiệt mạng và khoảng 300 người bị thương.
Tuy nhiên, giá dầu bắt đầu đảo chiều giảm vào phiên tiếp theo (ngày 23/3) trước thông tin kho dầu dự trữ tại Mỹ lại đầy lên trong tuần trước đó, dấu hiệu cho thấy nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới đã yếu đi. Chốt phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm xuống 39,79 USD/thùng, sau năm phiên duy trì trên mốc 40 USD/thùng.
Phiên 24/3, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần (do các thị trường đóng cửa nghỉ Lễ Phục sinh vào ngày thứ Sáu 25/3), giá dầu tiếp tục đi xuống trước áp lực từ việc đồng USD mạnh lên sau khi một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết có khả năng Fed sẽ tiến hành nâng lãi suất vào đầu tháng Tư tới.
Đồng bạc xanh tăng giá khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn, qua đó hạn chế sức mua vào.
Trong tuần trước nữa, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) đã leo lên ngưỡng 40 USD/thùng, nhờ sự suy yếu của đồng USD, cũng như sự lạc quan của giới đầu tư về khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ đạt được thỏa thuận nhằm "đóng băng" không tăng sản lượng tại cuộc họp vào ngày 17/4 tới tại Doha.
Chốt lại tuần qua, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 5/2016 ở mức 39,46 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn ở mức 40,44 USD/thùng./.