Năm 2023, thị trường gạo toàn cầu chứng kiến sự biến động mạnh do lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, tình trạng Biến đổi Khí hậu, nhất là hiện tượng thời tiết El Nino diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng tới các nước sản xuất gạo chủ chốt. Giá gạo thế giới tăng cao và nguồn cung hạn hẹp trở thành mối nguy mới đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Thị trường "nổi sóng" sau lệnh cấm của Ấn Độ
Ngày 20/7, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Lệnh dừng xuất khẩu gạo được Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong vòng 1 năm (tính tới ngày lệnh cấm được ban hành).
Thêm vào đó, diễn biến thời tiết không thuận lợi trong vụ lúa Xuân Hè càng thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này. Lệnh dừng xuất khẩu được cho là nhằm giúp Ấn Độ thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và kiểm soát lạm phát. Ấn Độ là nước cung cấp gạo hàng đầu thế giới với 40% thị phần, tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam.
Mặc dù Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu gạo đồ và gạo basmati theo các cam kết quốc tế, nhưng giá gạo toàn cầu đã tăng 15-25% kể từ khi lệnh cấm được áp dụng, chạm mức cao nhất trong vòng 15 năm vào tháng 8/2023.
Thiệt hại lớn nhất ập xuống các quốc gia phụ thuộc vào gạo trắng Ấn Độ như Bangladesh và Nepal hay một số nước châu Phi thường sử dụng gạo tấm như Benin, Senegal, Togo và Mali.
Nhiều chuyên gia cho biết tình trạng thiếu gạo sẽ khiến giá của các loại lương thực khác như lúa mỳ, đậu tương và ngô tăng cao.
Khi thị trường còn chưa kịp thích ứng với sự biến động giá mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước này lại chính thức công bố áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ chỉ một tháng sau đó. Động thái này làm hạn chế thêm lượng gạo xuất khẩu cũng như thúc đẩy đà tăng của giá gạo toàn cầu.
Hoạt động nhộn nhịp trong quý cuối năm
Trong nửa cuối tháng 9/2023, thị trường gạo thế giới "hạ nhiệt" với mức giảm lên đến 30-40 USD/tấn so với lúc giá gạo đạt đỉnh hồi cuối tháng Tám đầu tháng Chín. Tuy nhiên, những ngày chuẩn bị bước sang tháng 10, giá gạo tại Việt Nam và Thái Lan đã tăng trở lại và chưa có tín hiệu ngừng tăng.
Tới phiên 21/12 giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 660-665 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2008 do nguồn cung khan hiếm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, ở mức 646-650 USD/tấn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 505-512 USD/tấn, mức cao nhất trong hai tháng. Sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm nay, lần đầu tiên sau 8 năm., khiến nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu để giữ giá ở mức thấp trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2024.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo tiếp tục ở mức cao tại các nước nhập khẩu chính. Cụ thể, tại Philippines, sau khoảng một tháng áp giá trần để kiềm chế sự tăng giá lương thực, ngày 4/10 Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố bỏ chính sách trần giá gạo. Việc bỏ trần giá gạo cũng được nông dân nước này quan tâm và ủng hộ vì nó khuyến khích sản xuất trong nước phát triển đặc biệt là mùa thu hoạch đang diễn ra.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc Philippines bỏ trần giá gạo sẽ khiến thị trường thế giới nói chung khởi sắc trở lại sau thời gian diễn biến ảm đạm.
Trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp, thị trường trước mùa Giáng sinh và trước tháng Ramadan (tháng ăn chay của người Hồi giáo) sẽ thúc đẩy nhu cầu về gạo ở các nước châu Á. Nhiều người tin rằng, Trung Quốc sẽ sớm quay lại thị trường và trở thành một trong những khách hàng mua gạo tích cực nhất.
Sau một thời gian nhập khẩu gạo chững lại do tác động kép từ việc nước này đưa ra tiêu chuẩn nhập khẩu gạo mới từ các nước ASEAN và tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu gạo trong những tháng cuối năm nay, đặc biệt là từ Việt Nam.
Không chỉ các nước châu Á, tại châu Âu, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia cũng gia tăng đáng kể.
Triển vọng cho năm 2024
Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng Hàng hóa Toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB), giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025, do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng EI Nino.
Giá gạo toàn cầu năm 2023 ước tăng trung bình hơn 28% so với năm 2022, và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino, phản ứng với chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng...
Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino. Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán có thể là khốc liệt nhất trong hai thập kỷ ở nhiều vùng trồng lúa. Ngoài các thách thức nói trên, gạo cũng thiếu hụt vì nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh trở thành nguồn thay thế hấp dẫn cho các loại ngũ cốc bị thiếu hụt và tăng giá mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo hãng tin Bloomberg, giới phân tích thị trường và một số thương nhân dự báo sản lượng gạo trái vụ từ hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm trong quý 1/2024 do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp. Trong khi nông dân trồng lúa tại nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Indonesia vẫn đang chống chọi với hạn hán.
Để đảm bảo nguồn dự trữ gạo của đất nước, Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc Bulog, ông Budi Waseso, chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất lúa gạo địa phương cũng như điều kiện thời tiết. Nếu dự báo sản lượng lúa gạo bị thiếu Bulog sẽ cung cấp đủ để bù đắp sự thiếu hụt./.
Giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 15 năm qua
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 660-665 USD/tấn trong phiên 21/12, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2008, so với mức 655-660 USD/tấn trong tuần trước.