Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vọt, đạt mức cao nhất từ trước đến nay và cao hơn hẳn giá gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.
Cụ thể, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam ở mức 653 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm ở mức 638 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Parkistan tiếp tục xu hướng giảm. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan xuất khẩu ở mức 560 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với phiên giao dịch trước đó, gạo 25% tấm có giá 520 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Pakistan ở mức 563 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 488 USD/tấn.
Như vậy, sau điều chỉnh, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 92 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 90 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 118 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan tới 150 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi các thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam liên tục tăng nhu cầu mua vào. Cụ thể, Philippines đang có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ neo cao và khó giảm xuống ngay cả trong thời gian thu hoạch các vụ Thu Đông và Đông Xuân sắp tới. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng qua các năm, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu các loại gạo thơm, chất lượng cao được nhiều thị trường ưa chuộng. Dựa trên tình hình cung cầu, các doanh nghiệp dự báo trong những tháng cuối năm nay và đầu năm tới, giá gạo xuất khẩu có thể giữ ở mức 640-650 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng kéo giá gạo trong nước tăng theo. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá các loại lúa như Đài Thơm 8, OM 5451, IR 504... đã xấp xỉ 9.000 đồng/kg. Tương tự, giá gạo nguyên liệu các loại cũng đang ở mức rất cao; trong đó, gạo loại 5% tấm hiện ở mức 15.343 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7/2023 còn gạo 25% tấm hiện có giá 14.725 đồng/kg, tăng gần 3.000 đồng/kg.
[Giá gạo xuất khẩu tăng sau thông tin Indonesia mua thêm dự trữ]
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết mừng ít lo nhiều khi giá gạo xuất khẩu lập đỉnh bởi giá càng cao, việc thu mua và chốt đơn hàng càng khó khăn.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết thị trường lúa gạo trong nước bước vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn nhiều nhưng giá bán lại biến động theo chiều hướng tăng mạnh. Doanh nghiệp đang phải mua lúa tươi tại ruộng với giá 8.000-8.200 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Đây là mức giá thu mua cao nhất từ trước đến nay nhưng lượng mua cũng không được nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin thời điểm này, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp rất ít, gần như đã cạn trong khi việc thu mua chậm lại nên nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới vì lo sợ giá gạo còn tăng, dẫn đến thua lỗ.
Doanh nghiệp xuất khẩu đang chờ nguồn cung từ vụ Thu Đông nhưng sản lượng lúa Thu Đông cũng không quá nhiều. Với nhu cầu gạo thế giới tăng liên tục như hiện nay, giá gạo Việt Nam sẽ khó giảm, ngược lại có thể sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, kim ngạch đạt 433 triệu USD, tương đương về lượng nhưng tăng 27% về giá trị so cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD./.