Giá hàng hóa thiết yếu "cố thủ": Cơ quan quản lý đang "bó tay"

Dù giá xăng dầu trong nước đã liên tục điều chỉnh giảm, nhưng đến thời điểm này hàng hóa trên thị trường vẫn "cố thủ," chưa điều chỉnh theo.
Giá hàng hóa thiết yếu "cố thủ": Cơ quan quản lý đang "bó tay" ảnh 1Hàng hóa trong siêu thị vẫn chưa giảm tương xứng với mức điều chỉnh của xăng dầu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã liên tục điều chỉnh giảm, thời điểm này được cho là ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, tuy nhiên trái ngược với mong đợi của người dân, nhiều hàng hóa thuộc mặt hàng thiết yếu vẫn đứng ở mức cao và chưa chịu giảm giá.

Đầu vào giảm, giá hàng hóa vẫn "cố thủ"

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, xăng dầu chiếm từ 30-45% chi phí của nhiều doanh nghiệp, nếu tính từ giữa năm 2014 đến ngày 6/1/2015, giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm hơn 30%, nhưng thực tế mức điều chỉnh này chưa tác động nhiều đến giá các loại hàng hóa liên quan.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hoa quả cho biết, trước đây chi phí để chuyên chở 30-35 tấn hàng hoa quả từ các tỉnh phía Nam lên biên giới phía Bắc mất khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, dù giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng cước vận tải vẫn giữ nguyên.

"Doanh nghiệp không thể đàm phán nổi với nhà xe, nên hàng hóa vẫn chịu nhiều chi phí bất hợp lý," bà Dung nói.

Cùng ý kiến trên, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm cho biết, cước phí mỗi một kiện hàng nước mắm gửi từ Phú Quốc ra Hà Nội vẫn không thay đổi so với trước đây.

Vị giám đốc này cũng băn khoăn, nếu các yếu tố đầu vào vẫn "cố thủ" như vậy thì đầu ra cũng khó có thể kéo giảm được.

Theo khảo sát của Vietnam+, tại các siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Intimex… số lượng các mặt hàng giảm giá sau ngày điều chỉnh giá xăng gần đây (6/1) là rất ít, chủ yếu ăn theo tháng khuyến mãi nên một số mặt hàng hạ giá để kích cầu.

Đại diện siêu thị BigC cho hay, ngay sau khi có thông tin xăng, dầu giảm giá, doanh nghiệp đã yêu cầu các nhà cung cấp rà soát, xem xét lại giá thành sản phẩm để đưa ra mức giá giảm hợp lý trong thời gian tới.

Giá hàng hóa thiết yếu "cố thủ": Cơ quan quản lý đang "bó tay" ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Cơ quan quản lý liệu có "bó tay"?

Trước đây, khi giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp đã đổ lỗi cho việc giá đầu vào cao nên phải tăng giá hàng hóa bán ra để bù đắp, nhưng ngược lại khi giá đầu vào giảm, hầu hết những mặt hàng này lại không điều chỉnh tương ứng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá hàng hóa chưa giảm tương xứng là bất ổn. Theo ông Phú, cần xem xét lại việc quản lý giá của các cơ quan nhà nước để người tiêu dùng hưởng lợi.

Vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập trong hệ thống phân phối hiện này, cụ thể còn quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ như chợ cóc, hộ kinh doanh cá thể... và gần như các thành phần kinh tế này vẫn chưa được tổ chức thành một khối liên kết, hoạt động còn tự do và manh mún.

Chính vì vậy, việc hàng hóa phải qua nhiều tầng lớp trung gian, gây ra mức chênh lệch về giá giữa siêu thị và kênh bán lẻ truyền thống.

"Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống phân phối để định hướng sản xuất và tiêu dùng," ông Phú kiến nghị.

Ở góc độ quản lý, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hầu hết các sản phẩm hàng hóa- trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường.

Đề cập đến việc hàng hóa thiết yếu vẫn đang neo ở mức cao, ông Quyền nhấn mạnh, hiện giá cước vận tải chưa giảm thì hàng hóa có liên quan trên thị trường cũng khó có điều kiện để giảm theo.

"Mấy ngày nay, Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán lại chi phí để giảm cước, nếu những yếu tố trên được làm rõ thì chắc chắn hàng hóa cũng sẽ đi xuống," ông Quyền nói.

Nhằm xây dựng và thiết lập lại hệ thống phân phối, Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước, trên cơ sở đó Bộ Công Thương cũng đã chủ trì và phối hợp thực hiện việc xây dựng một số đề án quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối đối với một số mặt hàng thiết yếu như phân bón, thép, xăng dầu, lương thực… qua đó định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tổ chức hệ thống phân phối một cách chuyên nghiệp.

"Nhà nước chỉ đề ra chính sách và hỗ trợ để phát triển hệ thống phân phối chứ không thể làm thay doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự mình cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và giảm giá thành, qua đó mới có thể cạnh tranh được," lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.