Giá khí đốt tự nhiên có thể tăng cao khi EU chuẩn bị giảm dần khí đốt của Nga

EU có thể sẽ nhận ít khí đốt của Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên khi hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Một trạm nén khí đốt ở Morelmaison, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một trạm nén khí đốt ở Morelmaison, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2019, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua hệ thống đường ống kéo dài 5 năm.

Cả hai nước vẫn tiếp tục tôn trọng thỏa thuận này bất chấp hai năm căng thẳng nổ ra ở Ukraine.

Nhưng hiện nay, EU có thể sẽ nhận ít khí đốt của Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận khi hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Tuy vậy, người phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đã chỉ ra rằng khối này cũng không “hứng thú” với việc thúc đẩy gia hạn thỏa thuận này.

EU đang cảnh báo các nước thành viên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Khí đốt của Ukraine chiếm 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

Nhà phân tích cấp cao Aura Sabadus tại công ty tình báo thị trường ICIS, nói với tờ Politico rằng Áo, Hungary và Slovakia có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi cắt giảm nhập khẩu.

Một kịch bản như trên xảy ra có thể sẽ gây ra một đợt tăng giá khí đốt khác, sau đợt giá cao kỷ lục ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do quyết định gần đây của Đức, trong đó nước này đơn phương đánh thuế xuất khẩu khí đốt, khiến các nước này gặp khó khăn hơn trong việc đổi hàng nhập khẩu của Nga lấy nguồn cung cấp qua Đức, Italy hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Brussels đã kêu gọi các nước EU loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Cho đến nay khối này đã cố gắng loại bỏ khoảng 70% lượng khí đốt nhập khẩu của Nga và tăng cường nhập khẩu từ Mỹ và Na Uy.

Ủy ban châu Âu cho biết việc mất nguồn cung cấp của Nga qua Ukraine có thể dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn trong khi thuế lưu trữ áp đặt giữa các quốc gia trong khối có thể "làm cho việc đa dạng hóa này trở nên khó khăn và tốn kém hơn."

May mắn là châu Âu hiện có nguồn dự trữ khí đốt đang ở mức cao lịch sử. Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered dự đoán lượng khí đốt dự trữ của EU sẽ ở mức cao kỷ lục, tạo tiền đề cho một mùa Hè giá thấp.

Nhu cầu khí đốt của EU trong 16 ngày đầu tháng 2/2024 thấp hơn 12,4% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 18,4% so với tháng 2/2022. Tuy nhiên, StanChart đã cảnh báo rằng một số nhu cầu sẽ không quay trở lại dù cho giá có giảm đến mức nào.

Trong khi đó, nhu cầu suy yếu tiếp tục gây áp lực lên thị trường khí đốt của Mỹ, với giá khí đốt tại trung tâm phân phối Henry Hub thấp hơn gần 30% tính từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, thị trường đã khởi đầu tuần mới với tín hiệu lạc quan khi "gã khổng lồ" khí đốt tự nhiên EQT Corp. tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng để ứng phó với giá thấp.

Ngày 4/3, EQT đã thông báo sẽ cắt giảm sản lượng khí đốt tự nhiên khoảng 1 tỷ foot khối/ngày cho đến hết tháng 3/2024, sau đó họ sẽ đánh giá lại các điều kiện thị trường để xác định hành động tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.