Tỉnh Gia Lai hiện có 2 sản phẩm nông sản là càphê và chanh leo đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.
Đây là tín hiệu đáng mừng và cũng là một trong những thách thức yêu cầu ngành nông nghiệp địa phương phải có hướng đi bền vững để tiếp tục xuất khẩu các loại nông sản khác cũng như giữ ổn định nguồn thị trường này.
Ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản-Thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, các loại nông sản Việt Nam khi vào thị trường EU đã gỡ bỏ được rào cản về thuế quan và hạn ngạch, chỉ còn khó khăn về kỹ thuật.
Gia Lai có lợi thế sẵn về nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất cà phê, chanh leo đáp ứng được yêu cầu thị trường EU. Không dừng lại ở đó, các mặt hàng nông sản khác là ưu thế của tỉnh Gia Lai như hồ tiêu, gạo... cũng đang được một số doanh nghiệp đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là lợi thế tại thị trường EU.
Để nông sản Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường EU, các doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng 4 yêu cầu chính. Đó là, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của châu Âu, đặc biệt là yêu cầu về dư lượng hóa chất.
[Hiệp định EVFTA: Gia Lai xuất khẩu 100 tấn chanh leo đầu tiên sang EU]
Theo đó, các hóa chất được phép sử dụng, họ sẽ quy định ngưỡng cho từng loại nông sản; các hóa chất còn lại không được vượt quá 0,01ppm. Ở mức này, chỉ có sản xuất hữu cơ mới có thể đạt được.
Hiện, tỉnh Gia Lai cũng đang nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yếu tố nông nghiệp hữu cơ. Tuy kinh phí đầu tư ban đầu lớn và đòi hỏi thời gian dài mới thu lại hiệu quả, nhưng sẽ là hiệu quả bền vững, an toàn.
Thứ hai là các mô hình, quy trình sản xuất nông sản phải đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, không gây tác động xấu đến môi trường sản xuất cũng như môi trường xung quanh.
Thứ ba là phải đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng được đời sống của người sản xuất, đặc biệt là người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm.
Thứ 4 là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đây đang là một trong những bài toán nan giải cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng trong việc triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, cuối tháng 8/2020, tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc."
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh vào hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm của tỉnh và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Do vậy, để đảm bảo các yêu cầu này, buộc các doanh nghiệp phải sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín mà mắt xích quan trọng là doanh nghiệp và Hợp tác xã.
Về phía hợp tác xã, phải liên kết chặt chẽ các thành viên để cùng sản xuất ra các loại nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng của EU như GlobalGAP, Organic.
Về phía doanh nghiệp phải xác định được vùng nguyên liệu chất lượng; phải có cơ sở sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP hay ISO 22000. Ngoài ra, việc thiết kế bao bì, mẫu mã cũng cần được doanh nghiệp chú trọng đáp ứng thị hiếu của từng phân khúc người tiêu dùng.
Ông Lê Huy Toàn cho hay, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiếp cận gần hơn với các thông tin thị trường quốc tế, đặc biệt là việc sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu trong giai đoạn Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để doanh nghiệp biết và chuẩn bị tâm thế tốt, tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU.
Đặc biệt là phải tổ chức sản xuất ra nông sản, đạt các tiêu chuẩn chất lượng mà người châu Âu yêu cầu, cốt lỗi nhất là dư lượng các hóa chất độc hại có trong nông sản./.