Những lóng gỗ có đường kính từ 40-80cm được xẻ hộp vuông vức, chất lên những chiếc xe tải, xe khách tháo hết ghế ngồi, chạy ầm ầm giữa màn đêm tĩnh mịch nơi huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai) đang gây nhức nhối cho người dân trong vùng.
Hầu hết số gỗ này được vận chuyển từ biên giới huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, theo dòng sông Sê San về các xưởng tại trung tâm xã Ia Krái, sau đó hợp thức hóa và xuất đi.
Hàng ngày, trời vừa chập choạng tối có tới hàng chục chuyến xe chở gỗ lậu từ các bãi tập kết gầm rú lao vun vút về các xưởng.
Khoảng 18 giờ 30 ngày 6/4, ba xe cẩu chở đầy gỗ gầm rú nối đuôi nhau chạy qua trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ia Krái đi thẳng vào một xưởng gỗ. Các xe vừa vào tới nơi, cánh cổng tôn xưởng gỗ nhanh chóng đóng kín lại.
Tính tới 23 giờ cùng ngày, đã có 6 xe chở đầy gỗ chạy vào trong xưởng. Một người dân cho biết: “Đây xưởng mới hoạt động nhưng là xưởng lớn nhất ở đây.”
Tại khu vực cách nghĩa trang xã Ia Krái khoảng chừng 300m là một bãi tập kết ngổn ngang những khúc gỗ vuông lớn có đường kính từ 40cm-80cm, dài từ 3m-4m, chủ yếu là gỗ sao, bằng lăng, bobo. Cạnh đó, 2 xe tải chất đầy gỗ đã được phủ bạt kín mít đang nằm chờ xuất bến.
Xung quanh bãi gỗ còn rất nhiều điểm rải rác có từ 9-10 khúc gỗ với đường kính tương tự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ số gỗ này được khai thác tại địa phận xã Ia Tơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, sau đó vận chuyển theo đường sông tới bến làng Ệch, xã Ia Khai, tập kết tại đây chờ nhập xưởng.
Nắm bắt tình hình vận chuyển gỗ lậu ở đây mới biết, hầu như ngày nào cũng có xe chở gỗ phóng bạt mạng trong đêm tối.
Dù các xe này khi vận chuyển gỗ đều bắt buộc phải qua các chốt liên ngành gồm lực lượng Cảnh sát giao thông, Kiểm lâm huyện, nhưng đều "bình an vô sự" mỗi khi qua chốt.
Cụ thể, vào lúc 23 giờ đêm 12/4, một xe cá mập chở gỗ lao vun vút theo tỉnh lộ 664 đi qua trung tâm xã Ia Krái, qua chốt liên ngành rồi nhằm hướng thị trấn Ia Kha thẳng tiến. Tiếp theo sau xe cá mập, một xe thùng chở gỗ được phủ bạt kín cũng từ từ bò qua trạm. Còn trong chốt liên ngành, các thành viên trực đang chăm chú ngồi xem đá bóng mà không có bất cứ động thái tuần tra, kiểm soát nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại xã có khoảng 15 đầu nậu chuyên thu mua gỗ từ lâm tặc. Những loại gỗ thuộc hàng “tạp” sẽ được bán lại cho các xưởng trên địa bàn, sau đó hợp thức hóa giấy tờ và xuất xưởng. Số gỗ quý như Hương, Căm xe… thường được đầu nậu thu mua, sau đó dùng xe cá mập chuyển thẳng về thành phố Pleiku.
Huyện Ia Grai vốn là một điểm nóng về tình trạng vận chuyển gỗ lậu. Dù tỉnh Gia Lai đã xử lý quyết liệt, nhưng tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết: Tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện "không có gì." Trước đây huyện là một điểm nóng trong tỉnh về vận chuyển gỗ từ Kon Tum và Campuchia, nhưng từ khi thành lập huyện mới Nam Sa Thầy, thì các xe không qua nữa.
Tuy nhiên, sau khi được phóng viên thông tin về tình hình trên thì ông Thắng cho biết sẽ cho người kiểm tra lại./.