Gia Lai: Truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp

Lễ truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy ngày 14/3/1947 phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thể hiện tâm nguyện trong việc tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ.
Gia Lai: Truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ảnh 1Ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Sáng 20/12, tại thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy ngày 14/3/1947.

Hoạt động này nhằm phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thể hiện tâm nguyện của Đảng, Nhà nước và gia đình, nhân dân trong việc tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ.

Bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết dù chiến tranh đã lùi xa song vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa được tìm thấy, trong đó có các cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy năm 1947.

Được sự hỗ trợ thông tin từ phía người dân, đầu tháng 7/2019, chính quyền thị xã An Khê và Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Đội K52) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã xác định được chính xác vị trí ngôi mộ tập thể các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy tại một rẫy mía của người dân, gần vị trí Đài tưởng niệm các liệt sỹ được xây dựng trước đó.

Từ địa điểm này, ngôi mộ chung của các liệt sỹ đã được khẩn trương xây dựng.

[An táng 14 hài cốt liệt sỹ trong kháng chiến chống thực dân Pháp]

Gia Lai: Truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ảnh 2Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ anh linh các liệt sỹ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

“Trận đánh đồn Tú Thủy là một bản anh hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm, hy sinh của các chiến sỹ cách mạng, của quân và dân ta. Các anh đã ra đi nhưng chí khí lẫm liệt của các anh là tấm gương để các thế hệ sau noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” - bà Trần Thị Hoài Thanh nhấn mạnh.

Tháng 6/1946, Pleiku thất thủ, quân Pháp chiếm đóng hầu hết các vị trí chiến lược ở Gia Lai. Đầu năm 1947, chúng xây dựng nhiều đồn bốt ở vị trí chiến lược đầu cầu An Khê, nơi tiếp giáp với Bình Định.

Trong số đó, đồn Tú Thủy được xây dựng kiên cố, án ngữ và kiểm soát vùng cửa ngõ An Khê đi hai vùng căn cứ của ta là Đình Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định). Với thành cao, hào sâu và nhiều vũ khí hiện đại, quân Pháp tự tin Việt Minh không dám đánh đồn Tú Thủy.

Trước đó, ngày 30/10/1945, Chi đội Vi Dân gồm ba trung đội (khoảng 400 người, trong đó có 10 nữ chiến sỹ) từ Bắc lên đường vào Nam. Khi đến Quảng Ngãi, Chi đội được Ủy ban kháng chiến miền Nam chia thành ba hướng: hướng Pleiku, hướng Buôn Ma Thuột và hướng Phú Yên.

Đồng chí Vi Dân (tên thật là Nguyễn Văn Trợ) được phân công phụ trách hướng Pleiku, với nhiệm vụ cấp thiết là triệt hạ đồn Tú Thủy.

Trước trận đánh, Trung đoàn trưởng Vi Dân cử cán bộ đi các làng đồng bào vận động nhân dân tiêu thổ kháng chiến. Đồng chí Vi Dân đã lập đội quyết tử gồm 20 người và 3 đội xung phong từ các chiến sỹ của Trung đoàn 95.

Đêm 13, rạng sáng 14/3/1947, đồng chí Vi Dân tổ chức Lễ tuyên thệ với lời thề: “Với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chúng ta thề lấy bằng được đồn trước khi trời sáng. Nếu không lấy được đồn, Vi Dân này xin lấy đầu mình để lại.”

Các chiến sỹ đồng loạt hô vang “Chiến thắng,” rồi xuất phát từ Hòn Rung, xã Cửu An, băng qua rừng đến cách đồn Tú Thủy khoảng 300m.

Gia Lai: Truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ảnh 3Các đại biểu dâng hoa tưởng niệm các liệt sỹ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Theo kế hoạch, dân quân các xã Tú Thủy, Cửu An, Cửu Đạo, Vạn Thạch, An Xuân tỏa đi các ngả phá cầu nhỏ nằm trên trục lộ chính hỗ trợ bộ đội. Lực lượng chủ lực của Vi Dân chia làm 3 trung đội xung phong ở 3 mũi. Đồng chí Vi Dân đi với mũi quân tiến ra bầu Trà Rinh, phía Tây Nam đồn Tú Thủy.

Đúng 4 giờ 30 ngày 14/3, toàn đội quyết tử lao lên xung trận mở đường cho các chiến sỹ diệt đồn.

Tuy nhiên, do sự chênh lệch về lực lượng cũng như vũ khí, các chiến sỹ của ta đã không giành được lợi thế trong trận đánh này. Đồng chí Vi Dân dù bị thương nhưng vẫn phất cờ cho bộ đội tiến lên và anh dũng hy sinh cùng 68 đồng đội trong trận đánh đồn Tú Thủy.

Thi thể các chiến sỹ được chôn chung tại một hố chôn tập thể do quân Pháp đào. Sau đó hơn một năm, quân Pháp tiến hành di dời hài cốt các liệt sỹ lên vị trí được tìm thấy hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục