Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm mạnh

Mặc dù mới vào đầu vụ thu hoạch lúa Hè Thu và diện tích thu hoạch chưa tới 20%, thế nhưng giá lúa gạo ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tiếp giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm mạnh ảnh 1Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo thông tin từ một số thương lái thu mua lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, vào đầu vụ thu hoạch lúa Hè Thu năm nay, giá lúa IR50404 tươi tại ruộng có giá dao động từ 4.600-4.700 đồng/kg, tuy nhiên đến nay chỉ còn ở mức 3.900 đồng/kg. Giá lúa hạt dài OM5451 cũng giảm từ 5.100 đồng/kg trong đầu vụ xuống còn 4.200-4.300 đồng/kg.

Anh Nguyễn Công Trị, nông dân trồng lúa ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cho biết, trước khi bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, nhiều thương lái có tâm lý lo ngại hạn mặn sẽ khiến sản lượng lúa giảm mạnh nên giành giật nhau mua lúa, khiến cho giá lúa đầu vụ tăng liên tục từng ngày. Không những thế, nhiều thương lại còn chấp nhận đặt cọc trước với nông dân để đảm bảo có lúa thu mua.

Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng Năm, hiện tượng mưa lớn kèm lốc xoáy đã khiến nhiều diện tích lúa Hè Thu tới kỳ thu hoạch bị đổ ngã và hư hại. Do bị ngập nước nên năng suất gạo cũng giảm đáng kể.

“Thông thường, một công lúa sau thu hoạch sẽ được khoảng 0,9-1 tấn lúa, nhưng giờ chỉ còn 0,7-0,75 tấn lúa. Đồng thời, chất lượng gạo khá thấp, thậm chí xay xát xong chỉ còn gạo tấm và cám gạo. Nếu như trước đây 1 giạ lúa (20kg) đem đi xay xát sẽ được khoảng 14,1-14,2kg gạo thì hiện giờ chỉ còn được 13kg gạo.

Với mức giá lúa gạo như hiện nay, nông dân không bị thua lỗ, nhưng do sản lượng thấp kèm hao hụt sau xay xát nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân,” anh Trị cho biết.

Cũng theo anh Trị, một số nông dân thấy giá lúa rẻ quá nên không bán ngay tại ruộng mà đem sấy khô để trữ lại, tuy nhiên vẫn có nhiều nông dân phải bán lúa tươi để có tiền chi trả vật tư đầu vào trong mùa vụ qua.

Lý giải thêm về việc giá lúa gạo nội địa giảm mạnh trong thời gian gần đây, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lúa Hè Thu thường khi thu hoạch sớm thì chất lượng gạo không được tốt, có nhiều bạc vụn, tỷ lệ hạt bị đen nhiều và thất thoát trong xay xát khá cao. Chính những điều này đã ảnh hưởng đến giá thành của hạt gạo kéo theo sự cân nhắc của thương lái, doanh nghiệp khi thu mua.

Không chỉ có giá lúa nội địa giảm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian gần đây cũng có sự đảo chiều khá mạnh. Theo VFA, cho đến cuối tháng 4/2016, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nguồn cung khác, thậm chí cao hơn cả Thái Lan, tuy nhiên đến đầu tháng Năm thì lại giảm mạnh, xuống mức thấp nhất so với các nguồn cung trên.

“Hiện nay, trên thị trường thế giới, gạo 5% tấm đã có mức giá trên 400 USD/tấn, còn gạo của Việt Nam chỉ ở khoảng 370-375 USD/tấn. Mức giá này áp dụng cho loại gạo Hè Thu mới thu hoạch gần đây, còn gạo Đông Xuân vẫn có mức giá cao hơn so với mức giá bình quân trên thị trường thế giới,” ông Năng cho biết thêm.

Việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xuống thấp được cho là do thiếu các hợp đồng tập trung và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo trong 2 tháng 4 và 5/2016 đều sụt giảm so với mức trung bình.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng giá lúa gạo của Việt Nam thấp là do ảnh hưởng của việc Thái Lan quyết định bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo cũ, lãnh đạo VFA cho hay, về cơ bản sự vụ này có ảnh hưởng đến tình hình giá lúa gạo trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam, song mức độ không nhiều, bởi số lượng gạo đó chủ yếu có chất lượng thấp, dưới chuẩn tiêu dùng, chỉ có thể bán ở một số thị trường nhất định và hoàn toàn không cạnh tranh với gạo Việt.

Nhận định về tình hình giá lúa gạo trong thời gian tới, ông Huỳnh Thế Năng khẳng định, với tình hình thời tiết đã ổn định như hiện nay chắc chắn chất lượng gạo sẽ được cải thiện nhiều hơn so với đầu vụ thu hoạch.

Vụ Hè Thu cả nước chỉ mới thu hoạch chưa tới 20% trong khi hợp đồng đăng ký xuất khẩu chưa giao còn khoảng 1,2 triệu tấn.

Một số thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang có tín hiệu cần nhập khẩu gạo trong vài tháng tới. Do đó, tình hình giá cả lúa gạo sẽ được cải thiện đáng kể so với hiện nay.

“Các doanh nghiệp hiện đang theo dõi tình hình thu hoạch lúa Hè Thu để có kế hoạch thu mua cụ thể. Ngay cả Tổng Công ty Lương thực miền Nam mặc dù sản lượng tồn kho còn nhiều nhưng cũng đang triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới”, ông Năng cho biết./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục