Giá lúa không có biến động mạnh, giá gạo xuất khẩu nới rộng đà tăng

Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nới rộng đà tăng trong tuần này trong bối cảnh Việt Nam đã xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Trung Quốc.
Giá lúa không có biến động mạnh, giá gạo xuất khẩu nới rộng đà tăng ảnh 1Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung không có biến động mạnh. Nhiều địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, giao dịch lúa mới sôi động.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa vẫn giữ ổn định như Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.

Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn đi ngang ở một số loại như sau: Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg. Một số loại có sự tăng giá trở lại như: ST là 8.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Tương tự OM 4900 cũng có mức tăng 200 đồng/kg đạt 6.900 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang ở một số loại như: Jasmine ổn định ở mức 7.300 đồng/kg; lúa OC10 cũng ở mức 6.800 đồng/kg; riêng IR 50404 là 6.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Tại Kiên Giang giá lúa vẫn ổn định như: IR 50404  là 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Sau khi giảm mạnh ở tuần trước đó, tuần qua giá lúa tại An Giang đã chững đà giảm, một số loại còn tăng nhẹ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.200-6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Tuy nhiên, một số loại lại có sự tăng giá trở lại 100 đồng/kg như OM 5451 là từ 6.200-6.400 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.400-6.600 đồng/kg;Nàng hoa 9 từ  6.100-6.300 đồng/kg; IR 50404 từ 6.000 -6.200 đồng/kg.

Với nếp cũng có sự tăng lại từ 100-200 đồng/kg như: nếp An Giang có giá từ 5.900 – 6.300 đồng/kg; nếp Long An từ 6.700-7.100 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp, đầu tuần, giao dịch lúa mới khá hơn, thương lái hỏi mua nhiều hơn, giá nhích nhẹ.

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm]

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tuần vừa qua, các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch 613.190 ha (chiếm 39,5 % diện tích gieo trồng), diện tích lúa đang vào giai đoạn chin khoảng 690.000 ha.

Với diện tích đã thu hoạch, các địa phương đã bố trí gieo trồng được khoảng 165.000 ha lúa Hè Thu.

Giá lúa không có biến động mạnh, giá gạo xuất khẩu nới rộng đà tăng ảnh 2Hoạt động xuất khẩu gạo tại Tổng công ty Lương thực miền Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nới rộng đà tăng trong tuần này trong bối cảnh Việt Nam đã xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 450 USD/tấn trong phiên 16/3, tăng so với mức từ 440-445 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay giá gạo tăng do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi, trong khi Indonesia đang tích cực mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia. Thương nhân này cho biết động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 15/3 sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức từ 382 -387 USD/tấn, giảm so với mức từ 385-390 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang miền nam Andhra Pradesh cho biết đồng rupee giảm khiến giá xuất khẩu gạo giảm theo và nhu cầu từ các quốc gia châu Phi cũng yếu.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng được giao dịch ở mức 455 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 460 USD/tấn trong tuần trước. Theo một thương nhân tại Bangkok, những thay đổi về tỷ giá đã tác động đến giá cả. Ngoài ra, cung và cầu của thị trường không có biến động. Đồng tiền suy yếu khiến hàng hóa xuất khẩu từ nước này rẻ hơn khi tính theo đồng USD.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đi ngược chiều nhau phiên 17/3, trong đó giá ngô và lúa mỳ tăng, còn giá đậu tương giảm.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2023 tăng 1,5 xu (0,24%) lên 6,3425 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 tăng 11,5 xu (1,65%) lên 7,105 USD/bushel.

Trong khi đó, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 15 xu (1,01%) xuống 14,765 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Rất ít nhà giao dịch sẵn sàng chấp nhận rủi ro mới trong bối cảnh bất ổn của ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu hiện nay.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago nhận thấy sản lượng đậu tương của Argentina giảm xuống còn 25 triệu tấn là tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, lo lắng về ngành ngân hàng tài chính vĩ mô khiến các tín hiệu lạc quan bị hạn chế. Vẫn còn quá sớm để thực hiện các giao dịch mua mới cho đến khi niềm tin trong hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu được phục hồi.

Brazil sẽ tăng tỷ lệ pha trộn dầu diesel sinh học từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/4. Sau đó, tỷ lệ pha trộn này sẽ tăng thêm 1% mỗi năm.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận Trung Quốc đã đặt mua thêm 197.000 tấn ngô mùa vụ cũ của Mỹ hôm 17/3, nâng tổng lượng mua được ghi nhận từ Trung Quốc lên 2,1 triệu tấn.

Giá lúa không có biến động mạnh, giá gạo xuất khẩu nới rộng đà tăng ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: bizlatinhub.com)

Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều sụt giảm. Giá càphê Robusta giao tháng 5/2023 giảm 40 USD xuống 2.064 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 7/2023 giảm 39 USD, còn 2.054 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cũng đảo chiều giảm. Giá càphê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 3,45 xu xuống 176,60 xu/lb và giá càphê Arabica giao tháng 7/2023 giảm 3,30 xu xuống 175,45 xu/lb (1lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 700-800 đồng, xuống dao động trong khung 45.800-46.400 đồng/kg.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở một số nước trên thế giới, tình hình thị trường tài chính toàn cầu đã ổn định trở lại sau nhiều nỗ lực giải cứu. Tâm lý lo ngại rủi ro giảm mạnh, các tài sản trú ẩn đảo chiều trở lại. Đáng kể nhất là các thị trường hàng hóa phái sinh với giá vàng tăng vọt, giá dầu thô giảm, trong khi giá cà phê lao dốc, rũ bỏ những gì đạt được trong phiên trước đó.

Khoản cho vay khẩn cấp trị giá 164,8 tỷ USD từ hai cơ sở của Fed đã giúp trái phiếu kho bạc dài hạn tăng điểm trở lại, tình hình hỗn loạn tài chính dường như đã kết thúc.

Giá càphê kỳ hạn sụt giảm sau báo cáo về lượng hàng tồn kho của Hiệp hội Càphê Hạt (GCA) ở Mỹ cho biết mức tồn kho tính đến cuối tháng 2/2023 đã tăng thêm 5,9% so với tháng trước, lên ở mức 6,105 triệu bao.

Thông tin này đã góp phần khiến giá càphê Arabica trên sàn New York đảo chiều giảm xuống ở mức thấp 6 tuần và giá càphê Robusta sàn London xuống đứng ở mức thấp nhất trong một tháng.

Ngoài ra, thị trường còn có thêm dữ liệu báo cáo tồn kho do ICE-London quản lý, tính đến ngày 17/3 đã tăng thêm 2.190 tấn (2,97%) so với một tuần trước đó lên 75.960 tấn (khoảng 1.266.000 bao, bao 60kg), mức cao mới trong tháng 3/2023.

Trong khi tỷ giá đồng real của Brazil giảm xuống mức thấp 2,5 tháng cũng góp phần hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh bán hàng càphê xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.