Giá nhiên liệu liên tiếp tăng cao gây khó cho ngư dân bám biển

Hiện nay, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến tổng chi phí cho mỗi chuyến biển tăng thêm từ 20-25%; điều này gây không ít khó khăn cho ngư dân.
Giá nhiên liệu liên tiếp tăng cao gây khó cho ngư dân bám biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Trở về sau chuyến biển đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Chất, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QNa 91379 TS ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết, vươn khơi đánh bắt dài ngày, ngư dân nhận được sự hỗ trợ về xăng dầu, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm nên chúng tôi rất phấn khởi.

Tuy nhiên, do giá nhiên liệu liên tiếp tăng cao, kéo theo các mặt hàng hóa thiết yếu cho mỗi chuyến biển cũng tăng theo.

Trung bình mỗi chuyến biển dài 15 ngày, chi phí gồm nhiên liệu, đá cây, lương thực thực phẩm tốn trên 100 triệu đồng nhưng do giá dầu tăng khiến chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tăng thêm hơn 20% so với trước nên ngư dân gặp không ít khó khăn. Mong muốn của ngư dân giá nhiên liệu giảm xuống, chi phí sản xuất theo đó sẽ giảm xuống, ngư dân sẽ bớt khó khăn hơn.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Hữu Khoa băn khoăn: nghiệp đoàn tàu cá xa bờ của xã Tam Hải có 24 chiếc tàu công suất lớn, chuyên làm nghề lưới vây và câu mực ở ngư trường xa bờ.

Hiện tại tất cả tàu cá thành viên trong nghiệp đoàn đều đã vươn khơi trong chuyến biển đầu năm và đang lần lượt về bến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu không ngừng tăng lên nên các thành viên trong nghiệp đoàn sẽ đối diện với lựa chọn hết sức khó khăn là tiếp tục chuyến biển xa bờ tiếp theo hay nằm bờ chờ giá nhiên liệu giảm xuống.

[Xăng dầu liên tục tăng giá: Áp lực lớn với nhiều ngành hàng, sản xuất]

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Hải Nguyễn Hữu Khoa phân tích, trước đây, bình quân chí phí cho mỗi chuyến tàu xa bờ làm nghề lưới vây khoảng 120 triệu đồng cho chuyến biển kéo dài từ 10-15 ngày. Hiện nay, do giá nhiên liệu, vật tư tăng cao, khiến tổng chi phí cho mỗi chuyến biển tăng thêm từ 20-25%. Điều này chắc sẽ gây không ít khó khăn cho ngư dân.

"Vươn khơi dài ngày, mỗi tàu cá trong nghiệp đoàn nghề cá được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu 3 lần/năm, mỗi lần từ 50-70 triệu đồng. Riêng tàu làm nghề câu mực do thời gian làm ăn trên biển thường kéo dài khoảng hai tháng trong mỗi chuyến biển nên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến. Nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngư dân chúng tôi có thêm điều kiện để vươn khơi, bám biển dài ngày.

Tuy nhiên bước sang năm 2022, giá nhiên liệu liên tiếp tăng cao nên ngư dân chúng tôi chắc chắc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Gía nhiên liệu tăng cao, chi phí sản xuất tăng theo, điều này sẽ khiến thu nhập của từng anh em lao động trên tàu cá chắc chắc sẽ giảm xuống," Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải Nguyễn Hữu Khoa lo lắng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Núi Thành Ngô Đức An cho biết, Núi Thành là huyện trọng điểm nghề cá của tỉnh Quảng Nam, có ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn và có đội tàu xa bờ hùng mạnh nhất tỉnh.

Ra khơi đánh bắt hải sản vụ cá Nam năm 2022, huyện Núi Thành có hơn 1.900 tàu thuyền các loại với tổng công suất hơn 220.000CV. Hầu hết tàu thuyền của ngư dân trong huyện đều trang bị đầy đủ các phương tiện dụng cụ hiện đại như: máy định vị, bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá, ngư lưới cụ, phấn đấu khai thác đạt hơn 46.000 tấn hải sản các loại.

Huyện Núi Thành đang tích cực thực hiện việc hỗ trợ nhiên liệu để giúp ngư dân có thêm điều kiện vươn khơi bám biển theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại giá nhiên liện không ngừng tăng lên. Điều này đang gây ra không ít khó khăn cho ngư dân nhưng lại nằm ngoài khả năng của địa phương.

Khai thác hải sản xa bờ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Nam. Tuy chưa có số liệu cụ thể về số tàu cá ngừng hoạt động vì giá nhiên liệu tăng cao, nhưng điều có thể nhận thấy là sản lượng 46.000 tấn của ngư dân Núi Thành và 95.000 tấn của ngư dân toàn tỉnh trong năm 2022 sẽ khó đạt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.