Trong những ngày này, tại nhiều địa phương ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), nông dân đang khẩn trương thu hoạch ớt vụ thu với niềm vui được mùa, trúng giá.
Chị Nguyễn Thị Lân, ở thôn 7 Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp, đang thu hoạch ớt tại ruộng, cho biết vụ này, gia đình chị trồng 5 sào ớt (mỗi sào 500m2), năng suất bình quân đạt 1 tấn quả/sào.
Giá thu mua ớt năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, ở mức từ 9.000 đến 14.000 đồng/kg, trong khi so với cùng kỳ năm trước giá bình quân chỉ 3.000 đồng/kg. Với mức giá trên, sau khi trừ chi phí, chị Lân thu lãi khá.
Còn anh Đoàn Thanh Quang, cũng ở thôn Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp, cho biết năm nay gia đình anh trồng 7 sào ớt, do thời tiết thuận lợi nên cho năng suất cao.
Thời điểm này, giá ớt thu mua 9.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với giá thu mua năm 2013. Thậm chí, giá ớt đầu vụ lên rất cao 37.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống dần 14.000 đồng/kg và hiện ở mức 9.000 đồng/kg.
Chủ cơ sở thu mua ớt Trần Văn Vương, thôn Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp cho biết, vụ ớt năm nay được mùa, hiện nay mỗi ngày cơ sở của ông thu mua từ 20-40 tấn (thời gian thu mua từ tháng 2 đến hết tháng 5).
Để kịp thời thu mua ớt cho người dân, gia đình ông đã thuê 10 lao động phân loại ớt và đóng thùng chuyển đi tiêu thụ với công từ 200.000-300.000 đồng/người/ngày.
Ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Hiệp cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nông dân xã Mỹ Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế không cao sang trồng ớt.
Đến nay, tổng diện tích trồng ớt của xã gần 200ha. Việc nhân rộng mô hình trồng ớt đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, năm 2014 lãnh đạo xã đang rà soát lại đất lúa 1 vụ chuyển sang trồng ớt.
Mặt khác, hiện nay tại địa phương cũng có 10 cơ sở thu mua ớt cho nông dân, nên đầu ra của cây ớt nhìn chung khá ổn định.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, bình quân một năm tỉnh Bình Định có tổng diện tích trồng ớt trên 800ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Mỹ (khoảng 400ha); Vĩnh Thạnh (gần100 ha) và diện tích còn lại rải rác ở các địa phương khác như thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn./.